Đồng Lòng Trong Xây Dựng Nông Thôn Mới

Bằng sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Hiệp Lợi (thị xã Ngã Bảy) đang từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NMT) dù xuất phát điểm là một xã còn nhiều khó khăn.
Nếu ai đó đã lâu không về xã Hiệp Lợi thì nay trở về sẽ dễ dàng nhận thấy những đổi khác của vùng quê này. Nhiều tuyến đường mới ấp liền ấp, ấp liền xã được xây dựng, rất thuận tiện cho người dân đi lại trong cả 2 mùa mưa nắng.
Đưa ánh mắt nhìn về phía con đường mới, chị Trần Thị Nhiều, ngụ ấp Láng Sen A, khoe: “Cuộc sống bây giờ khác trước lắm rồi. Bởi giờ muốn đi đâu thì tệ lắm cũng đi bằng xe đạp hoặc xe máy, nhiều gia đình có điều kiện hơn họ còn đi taxi. Cuộc sống ở nông thôn giờ đâu khác gì so với ở thành thị”.
Tuyến đường mới ở ấp Láng Sen A có chiều dài 4,5km, rộng 3,5m, tổng kinh phí xây dựng khoảng 5,5 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp ngày công, đất đai, cây cối, vật kiến trúc ước tính khoảng 1 tỉ đồng. Con đường này là một trong những điểm nhấn về sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân địa phương trong xây dựng quê hương.
Từng tham gia vận động người dân xây dựng tuyến đường trên, anh Nguyễn Văn Dư, Bí thư Xã đoàn Hiệp Lợi, chia sẻ: “Chưa bao giờ thấy việc vận động người dân dễ dàng như vậy. Họ nhiệt tình lắm, nhiều khi buổi sáng họp triển khai những công việc cần thiết, thì buổi chiều đã thấy họ làm. Không những vậy, bà con còn cùng chúng tôi đi vận động những hộ cá biệt ở ấp để giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến đường”.
“Làm đường hay xây cầu thì người dân mình hưởng lợi chứ có ai vào đây! Nhận thức được điều này nên khi được vận động, không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ khác cũng nhiệt tình làm. Người góp một ít để sớm hoàn thành các tiêu chí xã NTM nữa chứ!” - chị Nhiều cho biết thêm.
Còn đối với các đoàn thể, đặc biệt là Xã đoàn đã cùng chung tay với chính quyền và nhân dân trồng cây xanh trên nhiều tuyến đường, từ đó, nhiều con lộ ở xã được khoác lên mình chiếc áo mới. Anh Huỳnh Quốc Tuấn, đoàn viên Xã đoàn Hiệp Lợi, nói: “Chúng tôi luôn xác định tâm thế của tuổi trẻ là phải đi đầu trong các phong trào.
Cho nên, khi có những tuyến đường vừa hoàn thành thì thanh niên địa phương bắt tay vào trồng các loại cây xanh. Mỗi người một việc để giúp xã nhà nhanh chóng thay đổi diện mạo theo hướng tích cực”.
Sự đồng lòng trên còn được thể hiện ở các mô hình làm ăn tập thể hiệu quả, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, góp phần cho địa phương thêm giàu mạnh.
Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hiệp Phát là một điển hình. Hiện nay, 28 thành viên của HTX này khá thành công với nghề nuôi trăn. Từ khi HTX thành lập (tháng 6-2014), hàng tháng, các thành viên đều trao đổi kinh nghiệm chăm sóc trăn, với cách này, trăn luôn phát triển tốt, thương lái mua với giá hợp lý hơn, giúp thành viên HTX tăng thu nhập so với bán lẻ.
Anh Dương Văn Nhu, Chủ nhiệm HTX Hiệp Phát, cho biết: “Nghề này đã hình thành khá lâu ở địa phương, song mãi đến năm nay, nhờ sự ủng hộ của chính quyền địa phương mà chúng tôi mới có điều kiện thành lập HTX. Đây sẽ là môi trường thuận lợi để các thành viên từng bước nâng cao hơn nữa đời sống của mình”.
Không dừng lại đó, địa phương còn tạo điều kiện về mặt pháp lý (đăng ký nuôi động vật hoang dã), thường xuyên đưa xã viên đi tập huấn hoặc mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho xã viên học tập.
Đáp lại sự quan tâm đó là các lớp tập huấn lúc nào cũng đông đủ học viên. Anh Nguyễn Lâm, thành viên HTX, nói: “Không biết các lớp khác thì sao, chứ đối với lớp tập huấn nuôi trăn thì anh em nhiệt tình lắm. Bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều kiến thức để chăm sóc đàn trăn của mình, kết quả đã cho hiệu quả khá cao”.
Hiện nay, hàng năm, mỗi thành viên HTX xuất ra thị trường từ khoảng 600kg đến 1 tấn trăn các loại, thu lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/tấn, góp phần tạo đà cho sự phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Nguyễn Phong Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Lợi, nói thêm: “Trước tình hình người dân có nhu cầu tìm hiểu về kiến thức nuôi trăn, chúng tôi đã mạnh dạn phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần cho địa phương hoàn thành tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng NTM. Năm 2014, xã Hiệp Lợi có 49 hộ thoát nghèo.
Đến thời điểm này, địa phương cũng đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xã NTM. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của sự đồng lòng để tiếp tục xây dựng xã nhà, phấn đấu trong năm 2015, Hiệp Lợi sẽ được công nhận xã nông thôn mới”.
Có thể bạn quan tâm

“Do đem lại lợi ích đáng kể nên diện tích cây trồng biến đổi gen (GMC) tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, từ 148 triệu ha năm 2010 lên 160 triệu ha năm 2011”, TS Clive James, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về công nghệ sinh học nông nghiệp khẳng định.

Trước thực trạng rau xanh bị phun thuốc trừ sâu và sử dụng nhiều loại thuốc tăng trưởng độc hại, rau mầm đang là một món ăn mới được nhiều bà nội trợ ưa thích, bởi vừa an toàn, vừa giàu chất dinh dưỡng. Do vậy, trồng rau mầm đang là hướng đầu tư mới trong sản xuất rau sạch của một số bà con nông dân trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL chỉ ở mức 24.500 – 25.500 đồng/kg, giảm 1.500 – 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 3/2012. Với giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu hiện nay khoảng 23.000 đồng/kg, nếu tính cả lãi suất ngân hàng do DN trả tiền mua cá chậm thì người nuôi cá sắp bước vào ngưỡng lỗ.

Mấy năm trước, người dân Bến Tre rất khốn khổ mỗi khi nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền. Nhưng nay họ đã tìm được giải pháp vừa sống chung, vừa làm giàu với tình trạng nước nhiễm mặn: nuôi sò huyết.

Đất ruộng bị san ủi, nông dân mất kế sinh nhai còn chủ đầu tư bỏ hoang năm này qua năm khác. Vậy mà những thửa ruộng còn lại tiếp tục bị đưa vào tầm ngắm. Người dân buộc phải đấu tranh.