Dồn Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới

Trong năm 2015, huyện Tư Nghĩa đặt mục tiêu có 3 xã được công nhận xã nông thôn mới (NTM). Do đó, huyện đang dồn sức để chuyển từ “mục tiêu” thành “hiện thực”.
Điểm sáng Nghĩa Lâm
Là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận là “xã văn hóa”, nhờ đó, Nghĩa Lâm có được nền tảng vững chắc để xây dựng NTM. Ông Lê Văn Bảy - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lâm, cho biết: Cách đây ba năm, nhiều tuyến đường trục xã, liên thôn chật hẹp, mùa mưa lầy lội, nhưng từ khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân tự nguyện chung tay, góp sức để bê tông các tuyến đường này. Nhờ đó, hơn 80% đường xã, thôn (hơn 16km) được mở rộng từ 3 - 5m, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Lãnh đạo xã Nghĩa Lâm xác định, mấu chốt của xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng NTM vẫn là làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được tốt hơn. Từ đó, xã đã tập trung nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho hộ dân, đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương.
Đó là, đưa các chủng loại cây ăn quả có giá trị vào trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hình thành nhiều mô hình chăn nuôi. Hộ nghèo được ưu tiên tiếp cận vốn vay ưu đãi. Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã phân công từng đoàn thể hướng dẫn hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cách làm ăn để thoát nghèo bền vững. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng/người/năm. Nghĩa Lâm là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong huyện (khoảng 4%).
Đến nay, Nghĩa Lâm đã đạt được 15/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, trở thành đầu tàu trong xây dựng NTM của Tư Nghĩa. Cán bộ và nhân dân trong xã phấn đấu đến tháng 6.2015 sẽ đạt 19/19 tiêu chí NTM để trở thành xã đầu tiên của huyện Tư Nghĩa được công nhận là xã NTM.
Dồn sức xây dựng NTM
Từ khi thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của Tư Nghĩa đã có những bước chuyển tích cực, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, đồng ruộng đã được chỉnh trang. Máy cày, máy gặt, máy đập liên hợp xuống đồng cùng nhiều công trình dân sinh, mô hình sản xuất, thiết chế văn hóa xuất hiện đã tạo nên sự khởi sắc mới ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều trở ngại do Trung ương và tỉnh chỉ tập trung đầu tư cho các xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên nên các xã còn lại gặp khó khăn do không bố trí nguồn vốn hoặc bố trí vốn không đáng kể, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM ở Tư Nghĩa. Vì vậy, bước vào năm 2015, huyện tiếp tục quyết tâm hơn nữa để dồn sức xây dựng NTM.
Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện có 3 xã đạt 15/19 tiêu chí NTM gồm: Nghĩa Thương, Nghĩa Hòa, Nghĩa Lâm; sáu xã đạt 10 tiêu chí trở lên và còn lại bốn xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Huyện xác định, 3 xã đạt 15/19 tiêu chí phải phấn đấu được công nhận xã NTM chậm nhất vào tháng 12.2015. Riêng xã Nghĩa Lâm sẽ hoàn thành trước tháng 6.2015 để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI.
Hiện nay, huyện đã phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM. Mỗi lãnh đạo UBND huyện phải đảm nhiệm từ 1 - 2 tiêu chí. Các tiêu chí thuộc ngành nào thì giao cho trưởng phòng của ngành đó đảm nhiệm. “Lấy đồ án quy hoạch NTM đã được phê duyệt làm tiền đề; lấy phát triển sản xuất làm gốc; lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu; lấy lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng làm động lực; lấy sự đồng thuận, góp sức của cộng đồng cư dân là bí quyết của thành công trong việc thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện”, ông Huỳnh Chánh-Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Trang trại nuôi gà rừng của gia đình ông Lê Toái (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) dần dần đã trở nên đông khách và thu hút rất nhiều hội viên Hội nông dân tham quan học tập bởi đặc điểm hết sức độc đáo so với gà nhà, với vóc dáng nhỏ bé, màu sắc khác thường và giá trị dinh dưỡng mang lại rất cao, được nhiều người ưa chuộng.

Những ngày này, tại một số cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nông dân đang tất bật các công đoạn bơm nước, ngâm ủ giống và đã bắt đầu xuống giống vụ lúa Đông xuân 2013-2014. Tuy nhiên, việc xuống giống lúc này của người dân cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay.

Giá tiêu hiện ở mức khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Theo dự báo, giá tiêu có thể tăng thêm, bởi nhu cầu thế giới tăng, trong khi sản lượng tiêu ở các nước như Indonesia, Ấn Độ… đều giảm. Thế nhưng, niềm vui của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh không được trọn vẹn bởi điệp khúc “được giá - mất mùa”.

Sở NN-PTNT Phú Yên đang triển khai mô hình cánh đồng mía mẫu tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh với tổng diện tích 40ha. Mô hình được áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đồng bộ từ các khâu làm đất, trồng, thu hoạch; sử dụng phân bón phù hợp với chất đất và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh phối hợp với xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) triển khai thí điểm mô hình sử dụng thùng nhựa ủ rác hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày chuyển hóa thành phân compost để bón cho cây trồng và bảo vệ môi trường.