Dồn Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới

Trong năm 2015, huyện Tư Nghĩa đặt mục tiêu có 3 xã được công nhận xã nông thôn mới (NTM). Do đó, huyện đang dồn sức để chuyển từ “mục tiêu” thành “hiện thực”.
Điểm sáng Nghĩa Lâm
Là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận là “xã văn hóa”, nhờ đó, Nghĩa Lâm có được nền tảng vững chắc để xây dựng NTM. Ông Lê Văn Bảy - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lâm, cho biết: Cách đây ba năm, nhiều tuyến đường trục xã, liên thôn chật hẹp, mùa mưa lầy lội, nhưng từ khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân tự nguyện chung tay, góp sức để bê tông các tuyến đường này. Nhờ đó, hơn 80% đường xã, thôn (hơn 16km) được mở rộng từ 3 - 5m, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Lãnh đạo xã Nghĩa Lâm xác định, mấu chốt của xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng NTM vẫn là làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được tốt hơn. Từ đó, xã đã tập trung nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho hộ dân, đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương.
Đó là, đưa các chủng loại cây ăn quả có giá trị vào trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hình thành nhiều mô hình chăn nuôi. Hộ nghèo được ưu tiên tiếp cận vốn vay ưu đãi. Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã phân công từng đoàn thể hướng dẫn hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cách làm ăn để thoát nghèo bền vững. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng/người/năm. Nghĩa Lâm là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong huyện (khoảng 4%).
Đến nay, Nghĩa Lâm đã đạt được 15/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, trở thành đầu tàu trong xây dựng NTM của Tư Nghĩa. Cán bộ và nhân dân trong xã phấn đấu đến tháng 6.2015 sẽ đạt 19/19 tiêu chí NTM để trở thành xã đầu tiên của huyện Tư Nghĩa được công nhận là xã NTM.
Dồn sức xây dựng NTM
Từ khi thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của Tư Nghĩa đã có những bước chuyển tích cực, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, đồng ruộng đã được chỉnh trang. Máy cày, máy gặt, máy đập liên hợp xuống đồng cùng nhiều công trình dân sinh, mô hình sản xuất, thiết chế văn hóa xuất hiện đã tạo nên sự khởi sắc mới ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều trở ngại do Trung ương và tỉnh chỉ tập trung đầu tư cho các xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên nên các xã còn lại gặp khó khăn do không bố trí nguồn vốn hoặc bố trí vốn không đáng kể, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM ở Tư Nghĩa. Vì vậy, bước vào năm 2015, huyện tiếp tục quyết tâm hơn nữa để dồn sức xây dựng NTM.
Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện có 3 xã đạt 15/19 tiêu chí NTM gồm: Nghĩa Thương, Nghĩa Hòa, Nghĩa Lâm; sáu xã đạt 10 tiêu chí trở lên và còn lại bốn xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Huyện xác định, 3 xã đạt 15/19 tiêu chí phải phấn đấu được công nhận xã NTM chậm nhất vào tháng 12.2015. Riêng xã Nghĩa Lâm sẽ hoàn thành trước tháng 6.2015 để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI.
Hiện nay, huyện đã phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM. Mỗi lãnh đạo UBND huyện phải đảm nhiệm từ 1 - 2 tiêu chí. Các tiêu chí thuộc ngành nào thì giao cho trưởng phòng của ngành đó đảm nhiệm. “Lấy đồ án quy hoạch NTM đã được phê duyệt làm tiền đề; lấy phát triển sản xuất làm gốc; lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu; lấy lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng làm động lực; lấy sự đồng thuận, góp sức của cộng đồng cư dân là bí quyết của thành công trong việc thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện”, ông Huỳnh Chánh-Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 52 trại sản xuất giống thuỷ sản, mỗi năm sản xuất trên 8 tỷ con giống các loại, dẫn đầu các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung. Chất lượng giống thuỷ sản sản xuất trong tỉnh được đánh giá cao không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp lượng giống khá lớn cho các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung.

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Trạm Khuyến nông Thanh Thủy và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam thực hiện mô hình trồng ngô mật độ cao trên diện tích 3 ha. Mô hình trồng thử nghiệm giống ngô DK8868, với khoảng cách hàng cách hàng 60-65 (cm), cây cách cây 20-25 (cm) kết hợp bón phân NPK khép kín, mật độ 6,5-7 vạn cây/ha.

Với tiềm năng về thuỷ sản với hơn 220.000 ha nuôi tôm, trong đó có trên 5.000 ha tôm nuôi công nghiệp, tuy nhiên, gần đây có gần 400 ha tôm bị bệnh mà nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do dịch bệnh, tôm bị nhiễm độc. Yêu cầu thực tế đặt ra là tìm một hướng đi mới nhằm đa dạng hơn nữa nghề nuôi tôm.

Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh không ngừng tăng lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh là 20.000 ha, tập trung ở 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành, trong đó kế hoạch năm 2013 này thả nuôi khoảng 2.000 ha.