Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dồn Đổi Ruộng Đất Khó Vạn Lần Dân Liệu Vẫn Xong

Dồn Đổi Ruộng Đất Khó Vạn Lần Dân Liệu Vẫn Xong
Ngày đăng: 06/03/2015

Trong lần về xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) mới đây, tôi được một người quen hồ hởi cho biết: Bây giờ  nhà chỉ còn một thửa ruộng với diện tích hơn một mẫu! Thấy tôi bán tin, bán nghi anh bảo: Xã vừa tiến hành dồn đổi ruộng đất xong bây giờ nhà nào nhiều còn ba ô, phổ biến chỉ một hai thửa.

Nhờ dồn đổi ruộng đất thành ô thửa lớn, nông dân xã Hương Nộn thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Nông dân khu 7 làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân.

Trong bối cảnh đồng ruộng manh mún, đâu đâu cũng khó khăn, vướng mắc do ruộng đất nhỏ lẻ, dồn lại mỗi hộ còn vài ô, thửa như Hương Nộn xem như kỳ tích. Nói về chuyện sử dụng, sở hữu đất đai  quốc gia nào cũng có, nhưng dai dẳng, phức tạp ít nơi nào như  ta. Chỉ riêng đất nông nghiệp hơn ba mươi năm qua đã qua mấy lần điều chỉnh, thay đổi hình thức sử dụng, từ chung đến xé nhỏ bây giờ đang là giao khoán đến khẩu, đến hộ.

Dù là thời khó khăn, thiếu đói, hay bây giờ dư thừa gạo thóc, bức tranh đồng ruộng ở miền xuôi, cũng như miền ngược vẫn như tấm áo vá, quá manh mún. Một nhà có cả chục thửa ruộng ở 5-7 xứ đồng là chuyện phổ biến với rất nhiều ô thửa chỉ có quy mô vài chục m2.

Dù cách đây gần chục năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nghị quyết chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, nhiều xã đã dồn đổi giảm từ trên chục ô thửa xuống 5-6 ô thửa/hộ nhưng nhìn chung đồng ruộng vẫn là manh mún, khó sản xuất, nhất là  trước xu thế lao động  nông thôn sụt giảm, yêu cầu cơ giới hóa nông nghiệp gia tăng, sản xuất vùng hàng hóa lớn.

Hãy tưởng tượng mỗi khẩu được giao trên dưới một sào ruộng, mỗi hộ có 7-8 sào mà chia ra 5-7 xứ đồng, quy mô mỗi thửa 300-500 m2 làm sao cày máy, cùng sản xuất. Năm 2013-2014 các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Cẩm Khê... thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhưng mỗi mô hình vài chục ha mà có tới hàng trăm hộ tham gia. Triển khai các mô hình sản xuất, thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp trở ngại rất lớn vì "rào cản" ruộng đất manh mún… Đây là điều ai cũng biết, cũng muốn thay đổi nhưng vướng phải sức ì quá lớn.

Nguyên nhân có nhiều nhưng khó nhất với người có điều kiện là tâm lý “ly nông, ly hương” nhưng vẫn không “ly ruộng”; với người còn làm ruộng là “có xấu, có tốt”, còn với một số người “cầm cân, nảy mực” ở làng không muốn “thoát ly” ruộng tốt, diện tích “hời”… Do vậy, nhiều việc trong làng, ngoài xã dù khó, phức tạp bàn tính, huy động làm vẫn xong nhưng dồn đổi ruộng đất phức tạp quá, ít nơi thành công.

Điển hình như xã Thượng Nông, huyện Tam Nông - một xã điểm xây dựng nông thôn mới, luôn tiên phong trong nhiều phong trào kinh tế, xã hội, lãnh đạo xã cũng bỏ công đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm dồn đổi, xây dựng vài, ba phương án để dồn đổi từ 5-6 ô thửa xuống còn 2-3 ô thửa, nhưng khi xin ý kiến vẫn không đồng thuận đành gác lại… 

Xã Hương Nộn của Tam Nông cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Qua tìm hiểu nguyện vọng số đông người dân thấy cần dồn đổi, xã tìm giải pháp khắc phục hạn chế dồn đổi trước đây đó là phải quy hoạch chia lại ruộng  đất nông nghiệp theo vùng sản xuất thay cho phương pháp “có xa, có gần, có xấu có tốt” trước đây.

Nói thì dễ, nhưng khi vào việc khá phức tạp vì đồng ruộng của địa bàn trung du, miền núi khá cập lệch, dân cư phân tán, tâm lý ai cũng muốn nhận nơi thuận lợi, đặc biệt kết cấu hạ tầng kênh mương, đường xá phá vỡ gần hết phải đầu tư xây dựng lại, nhưng lãnh đạo xã rất kiên quyết lãnh đạo dồn đổi.

Các cụ xưa vẫn bảo “Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm”, làm công cuộc dồn đổi ruộng đất là chia ruộng nên cực khó, nếu không kiên quyết, công tâm là khó thành công. Song với sự nỗ lực xã đã huy động được sức dân "phá vỡ" những quan niệm, định kiến cùng tư tưởng cố hữu về đồng ruộng.

Nhiều người băn khoăn, lấn cấn, nhưng với tinh thần chỉ đạo kiên quyết, khoa học, công minh mọi người đều đồng thuận. Trên cơ sở tôn trọng quỹ đất đã dồn làm trang trại trước đây, còn lại toàn xã thực hiện rũ rối, đem  254ha đất nông nghiệp của 1.185 hộ sử dụng, chia lại theo tiêu chuẩn sổ đỏ, thành 3.636 ô thửa, giảm 3.470 ô thửa so với trước đây, bình quân chung còn hơn 3 ô thửa/ hộ.

Cách làm này không chỉ tạo điều kiện dồn đổi mỗi hộ giảm xuống còn 2-3 ô thửa mà còn khắc phục tình trạng diện tích đo, giao trước đây không chính xác, dành ra quỹ đất dôi, dư phục vụ xây dựng hạ tầng, đất đai phân chia theo quy hoạch vùng sản xuất.

Ngay sau dồn đổi xã huy động xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa, san gạt mặt bằng tạo thành ô liền khoảnh. Một số hộ không có nhu cầu  sản xuất cho các hộ khác thuê, mượn san gạt tạo thành những ô thửa quy mô vài mẫu, điều trước đây không bao giờ có, trở thành xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành dồn đổi triệt để đất nông nghiệp.

Rời Hương Nộn, những băn khoăn, khó lý giải về quản lý đất đai bấy lâu, nhất là sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, khẳng định ổn định quỹ đất nông nghiệp như cũ đã được giải tỏa. Bước đột phá xã tiên phong đã xong, kinh nghiệm, bài học đã có, mong rằng sau đây việc dồn đổi sẽ trở thành phong trào rộng khắp thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn tiến triển mạnh mẽ.


Có thể bạn quan tâm

Thành Công Nghề Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè Trên Sông Ở Bến Tre Thành Công Nghề Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè Trên Sông Ở Bến Tre

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre chọn cá điêu hồng làm mô hình trình diễn tại hộ ông Trịnh Công Trung - ấp 10 - xã Tân Thạch (Châu Thành).

20/04/2013
Mở Rộng Các Hình Thức Liên Kết Tiêu Thụ Sản Phẩm Hoa Màu Mở Rộng Các Hình Thức Liên Kết Tiêu Thụ Sản Phẩm Hoa Màu

Trong năm, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa màu tiếp tục được quan tâm. Cụ thể, thực hiện 7 mô hình trình diễn rau an toàn (RAT); 4 mô hình sản xuất RAT gắn với tiêu thụ và nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo lồng ghép trong các chương trình, dự án... Từ đó, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng (bắp 7 tấn/ha, đậu nành 2,1 tấn/ha, rau muống lấy hạt 2,5 tấn/ha). Sản xuất RAT diện tích trên 150ha, đạt 83,5% kế hoạch nhưng hầu hết diện tích rau đều sản xuất nhỏ lẻ, chưa có liên kết sản xuất và tiêu thụ.

02/11/2013
Nuôi Bò Không Lo Lỗ Nuôi Bò Không Lo Lỗ

Từ con gà, con vịt cho đến con heo đang đẩy người chăn nuôi ở Bình Định lâm cảnh khốn đốn. Nguyên nhân do sau Tết, giá cả các loại vật nuôi nói trên đều tuột, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn “bình chân như vại”.

20/04/2013
Hà Tĩnh Nên Chấm Dứt Trồng Cao Su Gần Biển Hà Tĩnh Nên Chấm Dứt Trồng Cao Su Gần Biển

Cao su được Hà Tĩnh công nhận là cây mũi nhọn kinh tế bởi nguồn lợi đưa lại rất lớn. Thế nhưng bão số 10 vừa qua đã làm cho gần 800/1.600ha cao su ở Kỳ Anh bị gãy đổ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đây là bài học xương máu cho việc quy hoạch thiếu cân nhắc bởi Kỳ Anh thường xuyên "hứng bão" thế nhưng nơi đây vẫn cứ trồng cao su bằng mọi giá.

02/11/2013
Trồng Táo Xanh Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Trồng Táo Xanh Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.

21/04/2013