Dồn Điền Đổi Thửa Ở Chương Mỹ Bội Thu Những Mùa Vàng

Chương Mỹ có diện tích đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa (DĐĐT) lớn nhất thành phố. Cũng nhờ DĐĐT, bà con đã có những mùa vàng bội thu.
Biến đất cằn thành tiền tỷ
Về xã Hữu Văn, ngay từ xa, chúng tôi đã ấn tượng với khu trang trại có tường rào chạy dài tít tắp của anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Mỹ Hạ. Theo lời anh Hải, kể từ khi xã có chủ trương DĐĐT, anh đã mạnh dạn thuê lại ruộng đất của bà con với mức 200kg thóc/sào/năm để xây dựng trang trại chăn nuôi có hệ thống trang thiết bị hiện đại. Với quy mô rộng 3ha, anh nuôi 70.000 con gà đẻ, 3.000 con lợn. Doanh thu của trang trại đạt tới 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Hỏi chuyện, chúng tôi được biết toàn xã Hữu Văn có hơn 360ha đất nông nghiệp. Trước đây, bình quân mỗi hộ có 6 - 7 thửa ruộng. Năm 2012, Đảng ủy xã Hữu Văn ra nghị quyết chuyên đề và triển khai thực hiện DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Chia sẻ thành công của xã, ông Phùng Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hữu Văn cho biết: “Sau gần 1 năm thực hiện DĐĐT, đồng ruộng của xã đã “thay da đổi thịt”, năng suất lúa vụ xuân 2013 đạt 64 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, xã đã chuyển đổi được gần 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vàn cao sang các mô hình trang trại đa canh, trồng cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư…”.
Còn trên các khu đồng đồi gò của xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ những ngày cuối năm này cũng rực rỡ một màu vàng của cam Canh, bưởi Diễn đang độ chín rộ. Ông Lê Anh Kiều - Chủ tịch UBND xã Trần Phú vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam Canh của gia đình, vừa chia sẻ: Nhờ được chăm sóc tốt, mỗi cây cam cho 100 - 120kg quả. Với diện tích 1ha, thu nhập từ trồng cam của gia đình ông Kiều năm nay ước đạt 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 700 triệu đồng. “Sau khi chuyển sang trồng cây ăn quả, thu nhập cao gấp hàng chục lần trước đây” – ông Kiều cho biết.
Hướng đến sản xuất hàng hóa
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong tháng 12, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện DĐĐT xong 2.496ha còn lại và giao ruộng cho nhân dân trước 20.12 để kịp sản xuất vụ xuân 2014. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hoàn thành cấp giấy chứng nhận sau DĐĐT cho người dân .
Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, diện tích đất cần thực hiện DĐĐT toàn huyện là 10.443ha. Tính đến nay, huyện đã dồn được xấp xỉ 2.000ha tại 29 xã, thị trấn, trong đó có 177/215 thôn, xóm đã thực hiện xong DĐĐT. Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: “Phương án DĐĐT của các địa phương được xây dựng cụ thể, chi tiết, có sự tham gia đóng góp ý kiến dân chủ, công khai của nhân dân. Nhờ đó, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan”.
Cái được nhất sau DĐĐT ở Chương Mỹ là nhân dân các xã, thị trấn rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã chi ra 1.500 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái để mua 115.300 tấn sữa với mức giá bình quân 13.600 đồng/lít và chiếm 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của đàn bò cả nước.

Nông dân Đà Lạt đã quen “thâm canh” rau với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất tối đa. Bởi vậy, khi quay trở lại cách trồng rau kiểu “các cụ” - trồng rau theo hướng hữu cơ - họ đã phải thay đổi rất nhiều trong tư duy và trong thói quen. Làm sao để sản xuất ra những cây rau thương phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, người nông dân, bảo vệ môi trường cũng là vấn đề được đặt ra khi Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện mô hình Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ tại thành phố Đà Lạt.

Ông Đặng Phúc, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên cho biết, với 22ha đất sản xuất lúa 2 vụ tại 2 trại giống ở Hòa An (Phú Hòa) và Hòa Đồng (Tây Hòa), mỗi năm, đơn vị cung ứng cho thị trường hơn 220 tấn lúa giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng.

Những cuối tháng 10, nông dân xã Vũ An (Kiến Xương) tấp nập làm đất, bón phân, đánh rạch trồng khoai tây. Không ai bảo ai nhưng ai cũng có một mong ước chung là “mưa thuận gió hòa” thu hoạch trước tết để bán được giá cao.

Năm 2013, Trạm Khuyến Nông lâm ngư (KNLN) thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã thực hiện mô hình trồng nấm rơm và tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho 30 hộ dân ở phường Thủy Lương và phường Thủy Phương thực hiện mô hình.