Đổi Thay Ở Hỏa Tiến

Trong thời chiến, xã Hỏa Tiến là vùng đất anh hùng. Còn trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây luôn vững vàng ý chí, cùng một niềm tin và quyết tâm trong “cuộc chiến” chống đói nghèo và công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Về xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh những ngày này sẽ nghe người dân bàn tán sôi nổi về vụ khóm Cầu Đúc được mùa, trúng giá vừa qua. Xen kẽ vào đó là những câu chuyện liên quan đến xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Cây khóm Cầu Đúc và công tác xây dựng NTM đã giúp đời sống người dân và bộ mặt nông thôn nơi đây thay đổi từng ngày.
Làm giàu từ vùng đất phèn, mặn
Đến xã Hỏa Tiến vào bất cứ thời điểm nào trong năm, hình ảnh quen thuộc mà mọi người thấy là màu xanh bạt ngàn của những rẫy khóm. Với đặc thù là vùng đất nhiễm phèn và ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn những tưởng đó là một bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương.
Nhưng không, người dân với sự cần cù, linh hoạt đã đứng vững và làm giàu từ vùng đất này bằng chính loại trái cây nổi tiếng cả nước - khóm Cầu Đúc.
Năm nay đã 81 tuổi, nhưng ông Huỳnh Kim Hạo, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, vẫn cần mẫn lao động trên những rẫy khóm Cầu Đúc không thua kém gì trai trẻ.
Đối với ông, cây khóm Cầu Đúc tựa như người bạn thâm niên, bởi ông đã dành trọn cuộc đời mình để gắn bó với nó. Không những vậy, các con ông hiện nay cũng dựa vào cây khóm Cầu Đúc để nuôi sống gia đình mình. Với giá khóm cao kỷ lục trong vụ nghịch mùa vừa qua, gia đình ông đã thu về hơn 50 triệu đồng từ 2ha trồng khóm Cầu Đúc.
Ông Hạo phấn khởi cho biết: “Dẫu giá khóm có lúc tăng, lúc giảm, nhưng chỉ cần người nông dân chịu khó một chút là có thể sống khỏe từ rẫy khóm của mình. Như gia đình tôi đây, không giàu có như người ta, nhưng cái ăn, cái mặc thì không cần lo với nguồn thu nhập từ trái khóm Cầu Đúc hàng năm”.
Khóm Cầu Đúc hiện nay chiếm hơn 74% số diện tích đất nông nghiệp của xã Hỏa Tiến. Con số này cho thấy vị thế to lớn của cây khóm trong đời sống của người dân địa phương. Nhờ nó mà không ít hộ dân trên địa bàn xã không phải lo về cái ăn, cái mặc như gia đình ông Hạo, từ đó góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này chỉ còn hơn 4%.
Ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: “Cây khóm Cầu Đúc đã trở thành loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của xã suốt thời gian qua. Nhờ gắn bó nhiều năm với cây khóm Cầu Đúc, nên người dân rất có kinh nghiệm trong canh tác, giúp hiệu quả sản xuất ngày càng tăng. Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ xuống hỗ trợ kỹ thuật cho bà con để giúp khóm Cầu Đúc giữ được vị ngon nổi tiếng của mình”.
Bừng sáng bức tranh nông thôn
Từ khi bắt tay xây dựng NTM vào năm 2011 đã tạo nên một bước ngoặt đối với xã Hỏa Tiến. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục đi vào chiều sâu, thể hiện qua con số 100% ấp trên địa bàn xã được công nhận ấp văn hóa.
Còn phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục phát triển rộng rãi nhờ sự tham gia nhiệt tình của người dân. Nhà tường kiên cố, khang trang mọc lên ngày càng nhiều, chứng tỏ cuộc sống vật chất của người dân địa phương đã khấm khá hơn trước. Tình hình an ninh - trật tự ở địa phương được giữ vững ổn định và nhiều năm liền địa phương không để xảy ra phạm pháp hình sự, giúp người dân an tâm trong cuộc sống cũng như lao động, sản xuất…
Cuộc sống ngày càng khấm khá nên người dân đã đóng góp nhiều hơn cho công tác xây dựng NTM ở địa phương. Ông Hồ Văn Hớn, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, cho biết: “Thời gian đầu, khi nói đến chuyện xây dựng NTM thì người dân còn khá bỡ ngỡ. Nhờ địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nên dần dần bà con cũng hiểu. Chỉ sau mấy năm xây dựng NTM đã giúp chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.
Điện, đường, trường, trạm dần được đầu tư xây dựng đã giúp địa phương như khoác lên trên mình chiếc áo mới. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở gia đình mình. Hiện nay, rất nhiều hộ dân trong ấp đã xây dựng được cột cờ, hàng rào cây xanh, hố rác hợp vệ sinh. Khi mà xây dựng đạt hết 19 tiêu chí NTM chắc mọi thứ còn tốt hơn bây giờ”.
Là địa phương còn nhiều khó khăn của thành phố Vị Thanh, nên những ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, xã Hỏa Tiến phải đối mặt với bộn bề khó khăn. Nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong phương thức lãnh đạo của địa phương đã giúp xã Hỏa Tiến dần vượt qua những trở ngại. Nổi bật là khai thác những điểm mạnh và phát huy nội lực sẵn có của địa phương vào thực hiện các tiêu chí NTM.
Ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: “Hỏa Tiến không phải là xã điểm xây dựng NTM của thành phố Vị Thanh, nên chưa được đầu tư nhiều thời gian qua. Mặc dù vậy, chúng tôi đã tận dụng mọi nguồn lực sẵn có và đến nay đã hoàn thành 9/19 tiêu chí NTM. Đây là kết quả thể hiện sự chung sức, chung lòng của chính quyền địa phương và người dân”.
Dù phấn khởi với thành quả đạt được, nhưng ông Truyền vẫn còn không ít trăn trở trong công tác xây dựng NTM ở địa phương mình. Ông Truyền chia sẻ: “Các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó thực hiện, như: cơ sở vật chất văn hóa, giao thông nông thôn, chợ, trường học, môi trường…
Để hoàn thành những tiêu chí này, đòi hỏi rất nhiều nguồn vốn đầu tư và với khả năng của địa phương thì không đủ sức thực hiện. Vì vậy, xã rất cần sự hỗ trợ từ tuyến trên thì mới có thể xây dựng thành công xã NTM”.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm 2013, sau khi thành công vụ đầu thu hoạch 4 ao, diện tích 1,5 ha, sản lượng 10 tấn/ha, anh Tri tiếp tục đầu tư tiếp vụ 2 trên hai khu sản xuất của mình tại thôn Hồng Thắng, xã Hòa Thắng. Với 8 ao tôm diện tích 5 ha, sau 83 ngày tuổi tôm đạt 60 con/kg, được 30 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg. Tổng hai vụ nuôi diện tích 5 ha, anh thu hoạch gần 50 tấn tôm thẻ chân trắng, bình quân năng suất trên 10 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư anh thu lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.

Ngày 25.8, ông Trần Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện đã có 10ha sắn thuộc 4 xã tại huyện Hướng Hóa bị rệp sáp bột hồng (rệp châu Phi) tấn công, trong đó nhiều nhất là xã A Dơi với 5ha.

Hơn 10 năm nay, phong trào nuôi cá sấu ở miền Tây phát triển khá rầm rộ. Theo số liệu thống kê, tổng đàn cá sấu nuôi tại Đồng Tháp, An Giang và Long An từ năm 2011 đến nay lên đến 72.000 con. Riêng tại Bạc Liêu lên tới 320.000 con, đứng đầu các tỉnh.

Bắc Giang có diện tích nuôi trồng thuỷ sản vào khoảng 12. 000 ha, sản lượng đạt trên 27 nghìn tấn/năm và là địa phương có diện tích và sản lượng thuỷ sản lớn thứ 2 trong số 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, sau Quảng Ninh. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề tiêu úng đối với các vùng nuôi trồng thuỷ sản vẫn bộc lộ những bất cập.

Ngày 30-8, UBND huyện An Phú tổ chức lễ phát động và thả 1.500kg cá giống, với số lượng khoảng 1,2 con giống, thuộc 20 loại cá bản địa có nguồn gốc từ tự nhiên xuống Búng Bình Thiên, nhằm bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu đến dự và tham gia lễ thả cá.