Đời sống khấm khá, nông dân đi du lịch bằng ô tô riêng

Đó là một trong những thành công của TP.HCM trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) của Đảng bộ TP.HCM.
Du lịch, sắm xe hơi...
Nhân dịp con gái đang du học về nước nghỉ hè, cả nhà chị Nguyễn Thị Hường (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) lên ô tô riêng đi du lịch về miền Tây.
Quanh năm lao động, tích góp được ít nhiều nên khi gia đình đoàn tụ là chị đưa mọi người đi tham quan.
So với thời còn trồng lúa năng suất thấp, thu nhập bấp bênh, từ khi chuyển sang nuôi bò sữa, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và làm trạm trung chuyển sữa cho một doanh nghiệp lớn, gia đình chị Hường có thu nhập trên 3,5 tỷ đồng/năm.
“Với mức thu nhập này, tôi có thể lo cho hai con học tới nơi tới chốn, mua hai ô tô phục vụ sản xuất và đi lại” - chị Hường nói.
Nuôi tôm ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Ông Ngô Văn Trầm (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) hàng ngày đi thăm đồng bằng chiếc xe hơi giá hơn 1 tỷ đồng.
Nhờ nghề thả nuôi sò huyết, nuôi tôm sinh thái, ông thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cục Thống kê TP.HCM cho biết chỉ tính đến cuối năm 2012, xấp xỉ 100% hộ vùng nông thôn TP.HCM có các phương tiện sinh hoạt như xe máy, điện thoại, ti vi, tủ lạnh, hơn 50% số hộ có các phương tiện sinh hoạt cao cấp hơn như máy giặt, máy vi tính, máy điều hòa…
Nâng mức sống hàng triệu hộ
Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở TP.HCM 5 năm qua đã góp phần thay đổi đời sống hàng triệu gia đình nông thôn ở các huyện ngoại thành.
"Trong 10 năm qua, thu nhập bình quân khu vực nông thôn TP.HCM đã tăng hơn 2,6 triệu đồng/người/tháng.
Mức chi tiêu bình quân người/tháng của khu vực nông thôn cũng đã tăng 1,16 triệu đồng, tức tăng khoảng 75,6% so với mức tăng của toàn thành phố.
Điều này thể hiện mức sống của người dân đã tăng rất nhiều”.
Thạc sĩ Hồ Thủy Tiên
Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết nông thôn ở TP.HCM đã thực sự khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện nhiều.
Đến cuối tháng 8.2015, cả 56/56 xã của 5 huyện ngoại thành xây dựng NTM đã đạt bình quân 18,9 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 17 tiêu chí.
Khi được hỏi về việc xây dựng NTM ở địa phương, ông Nguyễn Văn Lèo (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) hào hứng: Chỉ trong mấy năm làm NTM mà điện, đường, trường, trạm ở Tân Hiệp đều đã khang trang, đáp ứng nhu cầu người dân địa phương.
“Bây giờ, đường sá sạch sẽ, ban đêm đèn điện sáng trưng, cây xanh tỏa bóng mát.
Mấy đứa nhỏ được đi học, đi làm đàng hoàng, không bỏ nhà lang thang như những năm trước” - ông Lèo khoe.
Thạc sĩ Hồ Thủy Tiên –Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, thu nhập tăng giúp mức sống của người dân vùng nông thôn TP.HCM những năm qua cũng tăng theo.
Qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khoa học công nghệ, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu và nâng cao cuộc sống…
Tính đến cuối năm 2014, thu nhập của người dân nông thôn TP.HCM đạt mức 3,34 triệu đồng/người/tháng, do đó, mức chi tiêu của người dân khu vực này cũng đạt khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng (người dân khu vực nội thành chi tiêu khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng).
Trong khi đó, năm 2004, với mức thu nhập bình quân 726.000 đồng/tháng, người dân nông thôn chỉ chi tiêu bình quân 542.300 đồng/tháng, chiếm 65,6% so với thu nhập bình quân người/tháng của toàn thành phố và chiếm 60,6% so với thu nhập bình quân đầu người/tháng của khu vực thành thị.
Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse khẳng định Thái Lan năm nay có thể trở lại vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Vào thời điểm này, nông dân trồng điều ở các tỉnh phía Nam đang bắt đầu chăm sóc vườn điều để chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới đầu năm 2015.

Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức đào tạo cho 40 cán bộ và nông dân về nuôi trồng thủy sản theo quy phạm VietGAP.

Ngư dân Phú Yên có đội tàu hùng hậu với 585 chiếc chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Nghề đánh bắt cá ngoài khơi xa tạo mối liên kết, cứ 100 tàu cá là bạn hàng của một công ty, doanh nghiệp thu mua. Khi đội tàu đánh bắt về, các công ty “săn” cá ngừ đại dương chất lượng “hàng bay” để thu lợi, tuy nhiên mặt hàng này rất khan hiếm.

Cá đồng từ lâu được xem là đặc sản của đất rừng U Minh; tuy nhiên sản lượng cá đã giảm nhiều so với trước đây. Nguyên nhân là do công tác quản lý và bảo vệ chưa thật sự hiệu quả, tình trạng bắt bằng phương pháp “xiệt điện” cũng khiến một lượng lớn cá giống bị hủy diệt. Tình trạng bắt cá non trong mùa sinh sản cũng là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn lợi cá đồng của huyện U Minh.