Đội Ngũ Khuyến Nông Ở Gia Nghĩa Đi Đầu Ứng Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất

Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì thị xã Gia Nghĩa hiện có 8 khuyến nông viên xã, phường và hơn 50 cộng tác viên khuyến nông của các thôn, bon, tổ dân phố.
Qua thời gian công tác, đội ngũ này đã và đang hoạt động ngày càng hiệu quả, trở thành “cầu nối” nhịp nhàng cho việc tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao các kiến thức khoa học, kỹ thuật đến nông dân, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng chất lượng cao.
Điển hình như anh Huỳnh Cao Nhất ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Thành những năm qua luôn đi đầu trong việc chuyển đổi giống cây trồng phù hợp để cho thu nhập cao nhất trên diện tích canh tác của gia đình. Không chỉ thâm canh cà phê, anh còn tận dụng diện tích ao hồ nuôi cá, đất sình trồng rau, hoa, hàng năm, nguồn lãi từ trồng trọt là hơn 200 triệu đồng.
Cụ thể, đối với gần 1 ha cà phê, anh áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý, giảm chi phí đầu tư mà cây trồng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.
Mỗi năm, vườn cà phê của gia đình cho năng suất trung bình từ 3 tấn/ha trở lên. Bên cạnh cà phê, với diện tích đất gần 1 sào ở cuối vườn, anh đã đào ao nuôi cá, luân canh các loại rau xanh, hoa, mang lại nguồn thu khá cao. Học theo cách làm của anh, nhiều hộ gia đình ở thôn Tân Tiến hiện cũng đã trồng hoa, măng tây xanh… cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.
Tương tự, chị Lê Thị Thương, ở xã Đắk R’moan cũng là một người luôn đi đầu trong việc nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Với 3 ha đất, chị đã trồng khoai lang Nhật Bản, ngô lai, nuôi 2 ao cá, hàng chục con heo, tạo thành cơ sở “đa canh, đa con”, hỗ trợ cho nhau nên có được nguồn thu nhập khá ổn định. Nhờ sự đi đầu của chị Thương cũng như cách truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện nên nhiều người dân trên địa bàn đã mạnh dạn làm theo, nâng cao thu nhập.
Theo anh Phạm Anh Dũng ở thôn Tân Bình thì học tập cách làm của chị Thương, gia đình anh cũng đã cải tạo phần đất sình gần mép hồ để trồng các loại rau. Ban đầu cũng chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình nhưng hiện nay, anh đã phát triển thành hàng hóa, với mức thu nhập trung bình 150.000 đồng/ngày. Nhờ đó, đời sống gia đình anh bớt đi nhiều khó khăn.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/doi-ngu-khuyen-nong-o-gia-nghia-di-dau-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-35729.html
Có thể bạn quan tâm

Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên vừa tổ chức công bố đề tài nghiên cứu phát triển sản xuất ca cao bền vững tại Việt Nam.

Nước trong hồ thủy lợi Dầu Tiếng (Tây Ninh) thiếu hụt so cùng kỳ, người dân canh tác trên đất bán ngập bội thu nhưng nhiều người sống bằng nghề đánh bắt thủy sản lại thất thu.

Hệ thống tưới nhỏ giọt “3 trong 1” cho cây tiêu của ông Nguyễn Xuân Sang ở thị xã Phước Long (Bình Phước) tiết kiệm được 40% lượng phân bón, 80% nhân công, 30% nước và tăng từ 15 - 20% năng suất.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật miền Trung – Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay các địa phương trong vùng có trên 90.578 ha cà phê bị nhiễm sâu bệnh, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Nông dân trồng mía tại ĐBSCL đang rất phấn khởi do thu hoạch mía bán được giá cao hơn từ 200 - 300 đồng/kg so với hồi đầu vụ ép mía 2015 - 2016 (thời điểm tháng 9-2015) và tăng hơn bình quân khoảng 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.