Đổi Mới Phương Thức Nuôi Lợn Làm Giàu

Nhờ đổi mới phương thức nuôi lợn theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân ở xã Bản Bo (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) không chỉ có điều kiện cải thiện đời sống mà còn mở ra cơ hội vươn lên làm giàu.
Đến thăm các bản: Hưng Phong, Nà Can, Nậm Tàng, Cốc Phát (xã Bản Bo) chúng tôi thấy nhiều hộ phát triển đàn lợn với số lượng lớn (khác với tập quán nuôi nhỏ lẻ, manh mún trước đây). Bà con đổi mới phương thức chăn nuôi từ thả rông sang xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt kết hợp với các biện pháp phòng dịch đầy đủ.
Đồng thời, chú trọng tới việc xây dựng bể xử lý chất thải vật nuôi làm sạch môi trường và hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, đàn lợn khoẻ mạnh, tốc độ tăng trưởng đàn từ 6 - 7%/năm. Tại đây, hộ nuôi ít từ 8 - 10 con, nhà nuôi nhiều từ 30 - 40 con lợn một lứa.
Tiêu biểu như gia đình chị Lò Thị Ngân ở bản Nà Can trước đây gia đình chị nuôi thả rông từ 3 - 4 con lợn, trong khi thức ăn ít dưỡng chất. Vì vậy, đàn lợn của gia đình chị gầy còm. Mỗi khi thời tiết giao mùa, đàn lợn bị dịch tả chết hàng loạt mất cả vốn lẫn lãi.
Một lần, chị xem trên tivi thấy cách nuôi nhốt lợn thịt theo hướng hàng hóa cho thu thập cao. Năm 2005, chị mạnh dạn vay 5 triệu đồng vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tam Đường chuyển đổi 1ha ruộng đầu tư xây dựng mô hình nuôi lợn thương phẩm.
Gia đình chị xây dựng tách biệt khu dân cư, 1 dãy chuồng nuôi lợn nái, 2 dãy chuồng nuôi lợn thịt, có khu xử lý chất thải và diện tích rau xanh riêng biệt cho đàn lợn. Chị là người đầu tiên trong bản áp dụng phương pháp mới trong phối giống gây đàn lợn thịt hướng nạc. Nhờ chủ động giống, đàn lợn của gia đình chị khoẻ mạnh, phàm ăn, chóng lớn.
Ngoài ra, chị còn trồng 0,5ha ngô/vụ/năm, nấu 2 nồi rượu/ngày để tận dụng bã làm thức ăn cho đàn lợn. Mỗi năm, chị nuôi 3 lứa lợn thịt, xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn lợn thương phẩm, thu 120 triệu đồng. Nhờ hướng đi đúng đắn từ nuôi lợn thịt theo hướng hàng hóa, giờ đây, chị Ngân đã trả hết nợ ngân hàng và đang vươn lên “Làm giàu”.
Chị Ngân tâm sự: “Bí quyết để tôi nuôi lợn thương phẩm thành công là nhờ đổi mới phương thức từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi với quy mô lớn; chú trọng tới việc phun hoá chất khử trùng tiêu độc xung quanh chuồng trại; chủ động giống, bổ sung thức ăn tinh bột và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.Nhờ đó, tôi đã có thu nhập cao từ nuôi lợn”.
Gia đình anh Hoàng Văn Thụ ở bản Hưng Phong là một trong những hộ điển hình về phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của xã Bản Bo. Trước đây, anh thiếu kinh nghiệm nên chỉ nuôi vài con lợn/lứa để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Năm 2008, anh vay 30 triệu đồng vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tam Đường mở rộng chuồng trại, đầu tư nuôi lợn thịt theo hướng hàng hóa.
Để nuôi lợn đạt hiệu quả cao, anh tham gia lớp đào tạo ngắn hạn dạy nghề cho nông dân về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại. Nhờ tìm tòi, học hỏi và biết áp dụng KHKT vào chăn nuôi, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có hơn 30 con lợn thịt. Mỗi năm, anh thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng tiền bán lợn.
Được biết, trước đây, nông dân xã Bản Bo thiếu kinh nghiệm nuôi lợn. Một số hộ chưa mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế nên nuôi lợn theo hướng nhỏ lẻ, mạnh mún, lợi nhuận kinh tế thấp. Những năm gần đây, các cấp hội và đoàn thể xã đã khảo sát, tổng hợp gia đình có nhu cầu vay vốn, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với toàn thể nông dân giúp bà con tiếp cận vốn vay hiệu quả. Qua kiểm tra, giám sát,hầu hết nông dân sử dụng vốn vay vào việc nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Đây là bước tiến mới trong chăn nuôi lợn của nông dân trong xã nhằm vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm tới việc khuyến khích bà con chuyển đổi từ phương thức nuôi lợn nhỏ lẻ sang nuôi nhốt lợn theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con áp dụng tiến bộ KHKT vào nuôi lợn thịt công nghệ cao, đảm bảo hợp vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn xã đã có 4.753 con lợn. Nhờ đổi mới phương thức nuôi lợn, nhiều hộ dân trong xã đang vươn lên làm giàu…”.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, Hoài Nhơn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa kinh tế biển trở thành ngành Kinh tế “mũi nhọn” của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có nhiều khó khăn làm hạn chế sự phát triển.

Vụ sản xuất Hè Thu, các địa phương trong tỉnh tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và các loại cây trồng cạn, có sự tham gia của 4 nhà, tạo vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Ngày 21.10, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Viết Hưng vừa ký Quyết định số 2084 công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại các xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh.

Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Phù Cát đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, phấn đấu để cán đích NTM đúng lộ trình đã khó, duy trì danh hiệu “xã NTM” lại càng khó hơn.

Cho đến bây giờ, sau gần 4 năm nuôi heo, ông Trần Thanh Nam, ở thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, mới vỡ vạc một điều “nuôi heo không dễ chút nào, còn khó nữa là đằng khác, nhưng nếu có lòng kiên trì, cố gắng tìm tòi học hỏi, tổ chức nuôi khoa học, bài bản thì nhất định sẽ... có ăn”.