Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đổi Đời Từ Đu Đủ Ruột Vàng

Đổi Đời Từ Đu Đủ Ruột Vàng
Ngày đăng: 12/02/2014

Không ruộng, vườn sản xuất, không nghề nghiệp nên cái nghèo đeo đẳng vợ chồng anh Lê Văn Phúc (xã Tân Quới Trung- Vũng Liêm - Vĩnh Long) ngay từ ngày họ về chung sống với nhau.

Vì vậy khi đôi vợ chồng trẻ ấy có thêm 2 miệng ăn nữa thì nhiều người dân xung quanh không ai dám nghĩ đến chuyện thoát nghèo của gia đình ấy. Vậy mà chỉ sau 2 năm trồng đu đủ ruột vàng, hộ nghèo ấy nay đã có trong tay cả trăm triệu đồng.

Cần mẫn làm giàu

Đến với nhau trong hoàn cảnh trắng tay lại không ruộng, không vườn, không nghề nghiệp; nên dù vợ chồng anh Nguyễn Văn Phúc cần cù làm thuê làm mướn bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng vậy mà cuộc sống của gia đình cứ luôn thiếu trước hụt sau.

Khó khăn lại càng chồng chất khi 2 con của đôi vợ chồng này lần lượt chào đời. Song, với sự phấn đấu của mình và để ý học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nhiều người chủ; nhất là sau khi được chính quyền và Hội Nông dân địa phương cho tham dự các cuộc hội thảo, các cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật trên cây trồng vật nuôi đã khơi dậy mạnh mẽ quyết tâm vươn lên của vợ chồng anh Phúc.

Năm 2011, anh Phúc mạnh dạn thuê 2.000m2 đất ruộng ở gần gia đình để sản xuất. Lần đầu tiên được tạm làm chủ số đất ấy, cả 2 vợ chồng anh Phúc vừa mừng vừa lo, sợ làm ăn không hiệu quả. Sau khi tính đi tính lại, anh Phúc quyết định trồng cây đu đủ ruột vàng.

Theo anh, đu đủ có thể được xem là cây ăn trái ngắn ngày vì chỉ sau 6 tháng trồng là cho thu hoạch, lại rất dễ tiêu thụ. Một lợi thế nữa là đu đủ ruột vàng có vỏ cứng nên thuận lợi cho việc vận chuyển xa. Từ quyết định này, anh Phúc chọn giống xác nhận đu đủ ruột vàng, với giá 3.000 đ/hạt giống. Trên diện tích 2.000m2 anh trồng 500 cây.

Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật và cần cù chăm sóc nên đu đủ của anh Phúc phát triển rất tốt và cũng rất đồng đều nên vụ đầu tiên anh thu hoạch được 15 tấn, bình quân 30kg/cây và được thương lái bao tiêu toàn bộ, với giá 7.000 đ/kg.

Vụ này anh Phúc thu được 105 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư và công lao động 32 triệu đồng, anh còn lời 73 triệu đồng. Gần nửa đời người làm thuê làm mướn, giờ có được số tiền ấy, vợ chồng anh Phúc vui mừng không sao kể hết.

Song, đáng nói hơn nữa là từ kết quả sản xuất ấy, năm 2012 vợ chồng anh Phúc tự tin phấn khởi thuê thêm 6.000m2 đất ruộng để trồng tiếp đu đủ ruột vàng; nâng tổng diện tích vụ thứ 2 này lên 8.000m2.

Diện tích trên, anh Phúc trồng 2.000 cây đu đủ ruột vàng. Điều đáng quan tâm ở vụ thứ 2 này là anh Phúc còn trồng xen cây ớt vào khoảng cách giữa 2 cây đu đủ. Có thêm được kinh nghiệm vụ trước, nên vụ này đu đủ của anh Phúc còn được năng suất cao hơn, bình quân 40 kg/cây và được thương lái bao tiêu 5.000 đ/kg.

Vậy là vụ thứ 2 này anh Phúc thu được 400 triệu đồng, trừ hết các chi phí, còn lời 318 triệu đồng- đó là chưa tính khoản lời 22 triệu đồng từ thu hoạch 2 tấn ớt.

Đến trước rước người sau

Là người đã từng quá khổ cực khi gia đình túng thiếu nên sau khi đổi đời, anh Phúc đã tận tâm giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo và nhiều nông dân địa phương muốn vươn lên từ cây đu đủ ruột vàng.

Anh Phúc đã hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, cách ươm hạt, kỹ thuật trồng nhằm hạn chế đổ ngã trong mùa mưa bão và phòng trị sâu bệnh trên cây đu đủ mà không hề đòi hỏi bất kỳ 1 khoản thù lao nào, dù anh đã bỏ ra không ít thời gian cho việc làm tình nghĩa ấy.

Từ việc thấy được hiệu quả kinh tế của đu đủ ruột vàng và sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của anh Phúc mà năm 2013 xã Tân Quới Trung đã có thêm nhiều hộ nông dân an tâm chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lên liếp trồng giống cây ăn trái nói trên với tổng diện tích hơn 3ha.

Còn với vợ chồng người nông dân từng tay trắng nói trên, năm 2012 cũng rất đáng nhớ bởi năm ấy họ không chỉ được địa phương công nhận thoát nghèo mà còn cho thấy cuộc sống gia đình từ nay đã thật sự đổi đời.


Có thể bạn quan tâm

Cám Cảnh Cá Ngừ Phú Yên Cám Cảnh Cá Ngừ Phú Yên

Trong cuộc làm việc mới đây tại Phú Yên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh xem lại việc sản lượng cá ngừ đại dương liên tục giảm. Trong khi đó, tại địa phương, nhiều cử tri đề nghị tỉnh có những giải pháp thiết thực giúp ngư dân khai thác cá ngừ đại dương.

19/08/2014
Mùa Mãng Cầu Bảy Núi Mùa Mãng Cầu Bảy Núi

Những ngày này, chạy dọc theo con lộ từ Chi Lăng đến hương lộ 17, chúng ta dễ bắt gặp những giỏ mãng cầu (na) đầy ắp xếp thành từng đống hai bên đường chờ bán cho du khách. Mãng cầu trồng ở vùng Bảy Núi tuy trái không to, không đẹp nhưng lại rất thơm ngọt vì không sử dụng phân bón, thuốc BVTV, lại trồng trên núi, được xem là loại trái cây sạch ở vùng này.

19/08/2014
Bỏ Thuốc BVTV, Chạy Đua Làm Phân Bón Bỏ Thuốc BVTV, Chạy Đua Làm Phân Bón

Do lĩnh vực thuốc BVTV gặp khó khăn, trong khi phân bón hiện đang rất hấp dẫn nên mấy năm trở lại đây có một làn sóng các DN SXKD thuốc BVTV ồ ạt làm thêm mảng phân bón.

19/08/2014
Lê Lạng Sơn Được Mùa Lê Lạng Sơn Được Mùa

Khi nói về vụ lê năm nay, bà Lã Thị Hội, thôn Nà Lệnh, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc phấn khỏi cho biết: “Gia đình tôi có trên 100 cây lê, năm nay lê rất sai, quả to mọng, chín đều. Thường 1 cây cho năng suất khoảng 50 - 100kg, thậm chí có cây to cho năng suất đến trên 30kg.

19/08/2014
Tigifood Mở Rộng Bao Tiêu Lúa Cho Nông Dân Tigifood Mở Rộng Bao Tiêu Lúa Cho Nông Dân

Ngoài ra, Cty xây dựng đề án cánh đồng lớn từ nay đến năm 2020 sẽ bao tiêu khoảng 20%/khoảng 78.000 ha đất sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trước mắt, Cty sẽ triển khai thực hiện trên 1.200 ha trong vụ đông xuân 2014-2015 và đã được Cty CP BVTV An Giang và Cty Hợp Trí nhất trí liên kết thực hiện.

19/08/2014