Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dốc Sức Bảo Vệ Lúa Hè Thu

Dốc Sức Bảo Vệ Lúa Hè Thu
Ngày đăng: 13/08/2014

Diễn biến bất lợi của thời tiết đã khiến nhiều diện tích lúa hè thu chính vụ ở huyện Duy Xuyên bị một số loại sâu bệnh nguy hiểm tấn công. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế  thiệt hại.

Sâu bệnh bùng phát mạnh

Vụ sản xuất hè thu 2014 này, ông Nguyễn Trường Tư ở thôn Trà Châu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) gieo sạ tổng cộng 8 sào lúa trên các cánh đồng Đạt Nhì, So Đũa, Đồng Miếu, Rộc Tư.

Cách đây vài ngày, ông Tư ra thăm đồng thì phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ phơi màu với mật độ bình quân 1.500 con/m2. Theo ông Tư, nguyên nhân khiến 2 loại rầy nguy hiểm ấy bùng phát là vì những ngày qua trời âm u, chiều có mưa rải rác, nhiệt độ dao động từ 30 - 340C.

Cầm mấy bụi lúa bị nhiễm rầy trên tay, ông Tư nói: “Khi vừa phát hiện, tôi liền chạy ra cửa hàng vật tư nông nghiệp ở chợ Trà Kiệu mua thuốc đặc trị rầy nâu, rầy lưng trắng là Chess 50WG, Alika 247SC về phun. Hiện giờ, tuy mức độ rầy gây hại đã giảm nhưng tôi vẫn không chủ quan, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện rầy ở đâu là tiến hành phun thuốc diệt trừ đến đó”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dụy - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên cho biết, thời điểm này hầu hết cánh đồng lúa hè thu ở địa phương đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông rộ. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện đã có ít nhất 60ha lúa bị nhiễm rầu nâu, rầy lưng trắng với mật độ phổ biến 750 - 1.500 con/m2, nơi cao nhất lên đến 3.000 con/m2, tập trung chủ yếu tại các khu vực như Đồng Nam (Duy Hòa), Thanh Châu, Thọ Xuyên (Duy Châu), Vạn Buồng (Duy Trinh), Đạt Nhì, Đồng Cả (Duy Sơn), Đồng Làng, Đồng Thổ (Duy Trung), Hà Quảng, Nhà Kho (Duy Thành)…

Toàn tỉnh có 2.636ha lúa bị rầy và bệnh khô vằn gây hại

Không chỉ huyện Duy Xuyên, những ngày gần đây rầy nâu và rầy lưng trắng cũng đã bùng phát mạnh trên nhiều cánh đồng lúa ở hầu hết địa phương của Quảng Nam. Thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 118ha lúa hè thu chính vụ bị nhiễm 2 loại rầy này với mật độ bình quân 300 - 500 con/m2, thậm chí một số vùng thuộc huyện Phú Ninh lên đến 4.000 con/m2. Được biết, số diện tích lúa bị rầy tấn công vừa nêu chủ yếu gieo sạ bằng các loại giống OM4900, Xi23, HT1, X21.

Ngoài ra, theo ngành nông nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh cũng có 2.518ha lúa khác bị bệnh khô vằn gây hại với tỷ lệ bình quân 5 - 10%, nơi cao 40%, tập trung chủ yếu ở Núi Thành, Tiên Phước, Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Phú Ninh.

Theo bà Dụy, ngoài rầy nâu, rầy lưng trắng thì những ngày qua bệnh khô vằn đã bùng phát tại nhiều nơi trên địa bàn huyện và đang có nguy cơ lây lan diện rộng.

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện toàn huyện có không dưới 412ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ hại bình quân 5 - 10%, thậm chí một số vùng lên đến 30%, tập trung nhiều nhất trên những chân ruộng sạ dày, bón thừa đạm, xử lý thuốc không triệt để. Không chỉ vậy, chuột, bọ xít đen, sâu cuốn lá cũng đang xuất hiện, gây hại rải rác ở nhiều địa phương của Duy Xuyên…

Nỗ lực bảo vệ ruộng đồng

Trước tình hình trên, các cơ quan có trách nhiệm ở Duy Xuyên đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm nhanh chóng dập tắt sự lây lan của các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Dụy cho hay, những ngày qua ngành bảo vệ thực vật huyện đã tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, vạch lúa kiểm tra kỹ để sớm phát hiện sâu bệnh và chủ động phòng trừ.

Bà Dụy nói: “Đối với những chân ruộng có rầy nâu và rầy lưng trắng tập trung cao thì đội ngũ cán bộ kỹ thuật và lực lượng khuyến nông viên cần hướng dẫn nông dân phun thuốc đặc hiệu theo cách bao vây từ ngoài vào để gom rầy lại, không cho chúng phát tán diện rộng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhằm bảo vệ an toàn hơn 3.800ha lúa trong vụ hè thu 2014 này, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cũng vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung mọi nỗ lực để phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả nhất.

Theo đó, lãnh đạo huyện yêu cầu chính quyền địa phương trên địa bàn thường xuyên cắt cử lực lượng chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp kiểm tra đồng ruộng, khoanh vùng những nơi sâu bệnh xuất hiện với mật độ cao và khẩn trương phân công cán bộ đứng điểm hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ tối ưu.

Huyện Duy Xuyên cũng đã yêu cầu ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra những đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các trường hợp bán sản phẩm kém chất lượng. Qua đó, giúp nhà nông tránh vớ phải những loại thuốc dỏm nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả hơn…


Có thể bạn quan tâm

Thủy Sản Việt Vào Liên Bang Nga Chung Tay Tháo Gỡ Vướng Mắc Thủy Sản Việt Vào Liên Bang Nga Chung Tay Tháo Gỡ Vướng Mắc

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, hiện chỉ có 7 DN đã được dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ XK thủy sản vào Liên bang Nga (5 DNXK cá tra và 2 DNXK tôm). “Con số này là quá ít trong khi đó đã có nhiều DN thủy sản Việt Nam hội đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, công suất chế biến có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường này”.

06/09/2014
Thị Xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) Lo Lắng Vụ Tôm Mùa Lũ Thị Xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) Lo Lắng Vụ Tôm Mùa Lũ

Nuôi tôm trên chân ruộng lúa mùa lũ thời gian qua mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều nông dân. Năm nay nước lũ về sớm gần 1 tháng nên con tôm “lên đồng” sớm hơn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của mực nước thượng nguồn khiến nhiều hộ nuôi tôm hết sức lo lắng.

06/09/2014
Bỏ Máy Tính Về Làm Nông Bỏ Máy Tính Về Làm Nông

Trưa, cái nắng đầu hè như đang “rán” chúng tôi trên đường đất cát dẫn đến mô hình trang trại “chăn nuôi tổng hợp” của một kỹ sư ngành công nghệ thông tin. Anh là Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi; ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

23/06/2014
Mùa Thanh Trà Buồn Ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) Mùa Thanh Trà Buồn Ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)

Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.

06/09/2014
Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Bình Định Giảm Mạnh Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Bình Định Giảm Mạnh

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời điểm hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang vào chính vụ thu hoạch tôm nuôi vụ 1. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng thời điểm này đang giảm mạnh khiến cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

23/06/2014