Độc Đáo Vải Thiều Ra Quả Trên Thân

Vụ vải thiều năm nay, anh Trần Văn Hành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thực hiện thành công phương pháp cho vải thiều ra quả trên thân cây, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống…
Vào những ngày cuối vụ thu hoạch vải thiều, chúng tôi về thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, thăm trang trại vải thiều VietGAP độc đáo của gia đình anh Trần Văn Hành (người dân tộc Sán Dìu). Ngoài chức Chủ tịch Hội Nông dân, anh còn đảm nhiệm vai Chủ nhiệm câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông xã Giáp Sơn, từng hơn 20 năm gắn bó với cây vải thiều, trong đó có gần chục năm thực hiện quy trình sản xuất vải thiều VietGAP.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn vải đang thu hoạch, anh Hành cho biết: "Vụ vải thiều năm nay, gia đình tôi thu hoạch khoảng 15 tấn quả, giá bình quân 25 nghìn đồng/kg, cao hơn gần 10 nghìn đồng/kg so với giá chung trên thị trường".
Vườn vải thiều nhà anh Hành rộng khoảng 1 ha, có hơn 300 cây đều sai trĩu quả. Điều đặc biệt là hàng trăm cây đều ra chùm quả ở trên thân trông chẳng khác gì những chùm nho lớn đang chín mọng.
Do ra quả ở dưới thấp nên việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh thuận tiện và đỡ tốn kém hơn so với việc chăm sóc những quả trên ngọn, chất lượng và mẫu mã cũng tốt hơn, chỉ 30 quả là được 1 kg (bình thường 1kg từ 35 - 40 quả).
Những năm trước, để thu hái được hơn 10 tấn vải thiều tươi, anh Hành phải thuê 6 lao động, mỗi buổi sáng một lao động cũng chỉ hái được 1 tạ quả. Còn bây giờ, chỉ cần 3 lao động hái vải, năng suất cao gấp đôi mà không vất vả. Vào thời điểm cuối vụ, nhiều tư thương đặt mua hàng tấn quả/ngày với giá 28 nghìn đồng/kg.
Nói về kinh nghiệm sản xuất vải thiều ra quả trên thân cây, anh Hành chia sẻ, trước tiên cần tỉa cành trên ngọn thật thưa cho ánh sáng chiếu vào thân cây, sau đó giữ nguyên những cành nhỏ ra trong thân cây để sau này vải ra chùm quả từ đó. Thực hiện khoanh cành vào thời gian thích hợp và khoanh mở rộng hơn so với bình thường. Anh Hành dự định sẽ phổ biến kỹ thuật sản xuất vải thiều mới này rộng ra trong thôn.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi gà lai Hồ của gia đình anh Đoàn đã mở ra hướng mới cho nông dân nơi đây, nhất là khi khuyến nông tỉnh Bắc Giang đang tích cực nhân rộng chăn nuôi

Chỉ cần tận dụng phụ phẩm rau, củ, quả, xác động vật, những thứ bỏ đi của các phế phẩm là nuôi được loài côn trùng đẻ ra trứng đem về lợi nhuận tốt.

Trại giống của anh Trần Văn Vỵ ở số 136, đường Chi Lăng, P.12, TP Vũng Tàu chuyên sản xuất con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ mỗi năm thu lãi cả tỷ đồng

Mô hình nuôi ếch bằng lưới kết hợp với thả cá và phòng bệnh bằng thảo dược đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành địa chỉ cho bà con địa phương học hỏi

Chanh ngón tay của ông Anh vừa được một khách sạn 5 sao ở TP HCM đặt mua với giá 2 triệu đồng một kg.