Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Độc đáo nghề lưới lặn ở Bạc Liêu

Độc đáo nghề lưới lặn ở Bạc Liêu
Ngày đăng: 05/06/2015

“Thuận Phong Nhĩ” trên biển

Hằng năm, cứ đến tháng 6 là ngư trường Bạc Liêu lại sôi động vì hàng trăm ghe lưới lặn từ các tỉnh khác đổ về đánh bắt. Nguyên nhân chủ yếu là vào mùa này biển Bạc Liêu xuất hiện nhiều loài cá như cá sóc, cá rún, cá đù, cá ngao, cá lò... Đây là đối tượng đánh bắt chính của các tàu lưới lặn.

Nghề lưới lặn có rất đâu đời và là một nghề hết sức độc đáo của ngư dân Bạc Liêu nói riêng và ngư dân các tỉnh tiếp giáp biển nói chung. Mỗi ghe lưới lặn thường có công suất hơn 100CV (mã lực) với 15 - 20 ngư phủ. Trong đó, tài công chính cũng là người xác định vị trí của cá trong vùng biển. Tầm hoạt động của ghe lưới lặn có thể vươn đến vài trăm hải lý - nơi xuất hiện những đàn cá với số lượng lớn. Ghe lưới lặn không đánh bắt dài ngày mà chỉ ở trên biển từ 1 - 3 ngày vì họ biết chính xác vị trí nguồn cá cần đánh bắt.

Khi đánh bắt, tàu lưới lặn được thả trôi tự do trên biển và thợ lặn sẽ lặn xuống biển dùng tai để nghe, xác định vị trí đàn cá mà không dùng bất kỳ một thiết bị hỗ trợ lặn nào. Ông Trương Văn Cẩm, ngư phủ có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề (ở thị trấn Bắc Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến đánh bắt ở ngư trường Bạc Liêu) cho biết: “Chúng tôi thường lặn xuống độ sâu 2 - 5m nước. Tôi có thể nghe được tiếng cá trong bán kính hơn 3km. Mỗi loại cá phát ra âm thanh khác nhau. Cụ thể như cá lò, cá ngao thì kêu như tiếng cơm sôi; cá sóc thì kêu như tiếng gõ mõ; cá đù cũng kêu như tiếng cơm sôi nhưng chỉ mới sủi tăm… Khi nghe, mình biết đàn cá nào có nhiều con lớn thì bắt, đàn cá nào còn nhỏ thì chừa lại để sinh sôi, giữ nguồn lợi cho biển”.

Sau khi xác định vị trí đàn cá, người thợ lặn lên thuyền thúng báo địa điểm đánh bắt. Chiếc tàu cá lớn bủa lưới đánh bắt theo hình xoắn ốc cho đến khi bắt cả đàn. Có những đàn cá quá nhiều, tàu họ không chở hết, phải nhờ tàu quen chở cá về.

Nhiều quốc gia có nền công nghiệp biển tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Na Uy thì máy tầm ngư là thiết bị không thể thiếu của ngư dân khi ra khơi. Tuy nhiên, những “Thuận Phong Nhĩ” người Việt có thể nói là những máy tầm ngư chính xác. (Theo truyền thuyết, Thuận Phong Nhĩ là vị thần có mắt nhìn ngàn dặm, có tai nghe theo gió).

“Nghe” được tiếng cá

Nghề lưới lặn cho thu nhập cao. Một ghe lưới lặn có thể kiếm được từ vài chục triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ngày, tùy vào số lượng cá bắt được. Trung bình, những ngư phủ không thể “nghe” được tiếng cá có thu nhập từ 1 - 5 triệu đồng/ngày, còn người nghe tiếng cá có thu nhập cao hơn. Ngư phủ đi ghe lưới lặn gần như cầm chắc có lãi trong tay vì vốn đầu tư thấp nhưng việc đánh bắt rất hiệu quả.

Thông thường, một ghe lưới lặn chỉ có một người có khả năng “nghe” và xác định vị trí của cá dưới lòng biển . Bởi lẽ, đây là một bí quyết được lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối và không phải ai cũng học được. Anh Trần Văn Điền - một “Thuận Phong Nhĩ” (ở thị trấn Bắc Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào Bạc Liêu đánh bắt cá, cho biết: “Nhà tôi đã 4 đời làm nghề lưới lặn. Riêng tôi thì vào nghề được 13 năm. Nghề này càng làm lâu thì khả năng “nghe” cá dưới biển càng xa. Các bậc cha chú có người đã “nghe” được tiếng cá trong bán kính 10km. Học nghề này rất gian nan. Người mới vào nghề phải phân biệt được tiếng nứt nẻ của đất, tiếng các loại cá, và phải biết chính xác vị trí của chúng. Ai học nghề này tôi cũng sẵn sàng dạy vì đang có nguy cơ thất truyền”.

Phần lớn người đánh cá hiện nay sử dụng nhiều loại cào điện và các máy tầm ngư tiên tiến. Họ đánh bắt mà không bảo tồn nguồn cá nhỏ. Bên cạnh đó, mặc dù lưới lặn là một nghề có thu nhập cao nhưng không phải ai cũng theo học vì nguy hiểm. Theo nhiều ngư dân làm nghề lưới lặn, Bạc Liêu là một trong ba ngư trường giàu tiềm năng cho nghề lưới lặn (gồm: Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau) vì nguồn lợi thủy hải sản còn nhiều.

Mùa lưới lặn ở Bạc Liêu bắt đầu từ giữa tháng 5 - 8. Vào những mùa khác trong năm, ngư dân lưới lặn ở Bạc Liêu cũng đi các tỉnh khác đánh bắt. Họ như những “nghệ sĩ” lang thang trên biển, lắng nghe tiếng thở của đại dương và góp phần vươn khơi giữ biển.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Gà Đồi Sơn Động (Bắc Giang) Phát Triển Gà Đồi Sơn Động (Bắc Giang)

Nhắc đến gà sạch thơm ngon Bắc Giang mọi người nghĩ ngay đến gà đồi Yên Thế. Thế nhưng đối với gà đồi của huyện Sơn Động cũng có chất lượng rất ngon được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm mua.

16/01/2013
Xuất Siêu Xuất Siêu "Có Tiếng Không Có Miếng": Cá Tra Càng Xuất, Càng Giảm Giá

Từ vị thế một sản phẩm độc quyền của VN, chỉ sau vài năm mặt hàng cá tra xuất khẩu đã rớt giá thê thảm. Đáng buồn hơn, ngành này còn để lại một ấn tượng xấu cho khách hàng nước ngoài về kiểu làm ăn chụp giật, bát nháo, tự phá giá lẫn nhau của doanh nghiệp Việt…

17/01/2013
Nuôi Heo Không Tắm Nuôi Heo Không Tắm

Nhiều nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới từ việc nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học trong việc chăn nuôi, sản xuất của mình. Nhờ những ứng dụng này, không chỉ hiệu quả sản xuất tăng cao mà còn mở ra những hướng mới cho người nông dân trong công việc.

18/01/2013
Trồng Su Hào, Bắp Cải Thu Gần 10 Triệu Đồng/sào Ở Bắc Ninh Trồng Su Hào, Bắp Cải Thu Gần 10 Triệu Đồng/sào Ở Bắc Ninh

Hiện nay, nông dân huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương thu hoạch su hào, bắp cải vụ Đông. Vụ này, do thời tiết mưa nhiều, một số cây rau màu khác kém phát triển, nên giá bán su hào và bắp cải cao hơn mọi năm từ 2.000 - 4.000 đồng/bắp (củ).

19/01/2013
Hướng Đi Mới Cho Hành Tím Vĩnh Châu Hướng Đi Mới Cho Hành Tím Vĩnh Châu

Sau bao phen thăng trầm, nghề trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) sắp có cơ hội vươn xa hơn, bởi nơi đây lần đầu tiên vừa thí điểm thành công và được cấp chứng nhận mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).

21/01/2013