Doanh Nghiệp Khó Khăn Vì Nhân Lực Yếu

Đa số doanh nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn và lợi nhuận giảm, nguyên nhân chính là nhân lực yếu.
Giám đốc Cty TNHH Cơ điện Thới Hưng ở phường An Bình (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) Nguyễn Văn Diễn thẳng thắn: “Tôi không nhận kỹ sư mới tốt nghiệp về làm việc, vì không ra thầy không ra thợ”.
Cty của ông Diễn chuyên về điện công nghiệp và sản xuất các dây chuyền chế biến nông sản, do quen biết với một số trường đại học nên thường được gửi sinh viên đến thực tập. Ông nói: “Lý thuyết lạc hậu, tay nghề không có là đặc điểm chung của các sinh viên ngành cơ điện”.
Mỗi khi phải nhận sinh viên thực tập, ông chỉ giao những việc đơn giản như nối đường dây điện hoặc quấn mô tơ “mà nhiều người làm không tròn, đến khi tốt nghiệp vẫn như vậy; còn chuyện tính toán thiết kế hệ thống điện là quá xa xôi”.
Ông Nguyễn Quốc Vững, GĐ Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ, cho biết tuyển lao động giúp việc nhà và tạp vụ cũng khó. Từ đầu năm đến tháng 7, Trung tâm được đặt nhu cầu 20 người giúp việc nhà và tạp vụ cơ quan nhưng chưa tuyển được người nào. Lương tháng cho tạp vụ cơ quan là 5 triệu đồng, đảm bảo đầy đủ các chế độ bảo hiểm.
“Mà yêu cầu cho công việc không cao lắm, chỉ cần người có sức khỏe, tính tình trung thực, tác phong gọn gàng”, ông Vững nói.
GẦN 43% KHÓ KHĂN DO LAO ĐỘNG
Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, PGĐ Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Cần Thơ), khảo sát các doanh nghiệp ở ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm, đa số giảm doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể có 57,1% số doanh nghiệp giảm doanh thu, gần 68% giảm lợi nhuận. Hai yếu tố chính tác động đến sự sụt giảm là nhu cầu thị trường trong nước giảm và chất lượng lao động kém, trong đó lao động kém tác động đến gần 43% doanh nghiệp.
Vì chất lượng lao động kém, việc dự báo và đặt kế hoạch từ đầu năm của các doanh nghiệp có khoảng cách rất xa so với thực tế, như doanh thu thực tế chỉ bằng 1/10 dự báo.
Chất lượng lao động còn thể hiện trong chất lượng giao thương với Trung Quốc. Hơn 23% doanh nghiệp ở ĐBSCL cho biết, có quan hệ giao thương với Trung Quốc, đa số bắt đầu từ năm 2010. Trong đó, có tới 92,3% “không có thông tin chính thức về đối tác Trung Quốc”.
Các doanh nghiệp giao thương với Trung Quốc theo kiểu “thương lái ở ruộng”, chủ yếu bán hàng thô, thấy điều kiện về tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa dễ dãi là làm với phương thức “mua đứt bán đoạn, trả tiền mặt tại chỗ”. Và cũng thường bị lường gạt mất tiền vì nhẹ dạ cả tin.
“CẢ NƯỚC I XÌ VẬY”
Theo bà Phạm Chi Lan, phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, “chứ kinh tế mà một đại gia bất động sản giàu có bằng hàng nghìn người mất đất; lúa gạo chỉ đưa lợi ích đến cho vài doanh nghiệp độc quyền, còn nông dân được hưởng rất ít thì không ổn”.
Mới đây tại Cần Thơ, VCCI Cần Thơ tổ chức hội thảo “Kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh kinh tế phụ thuộc, những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”, khi nghe những thông tin trên của bà Linh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói “cả nước i xì vậy”.
Bà Lan cho biết, năng suất lao động cả nước thấp và giảm dần: chất lượng lao động Việt Nam trong nhóm 10% thấp nhất khu vực, mức tăng năng suất lao động trung bình mỗi năm nếu như giai đoạn 2002-2007 là 5,2%, thì giai đoạn 2008-2013 chỉ còn 3,3%.
Bà Phạm Chi Lan đưa ra con số: các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài xuất khẩu, năm ngoái chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của nước ta, năm nay dự kiến 70%. “Mấy chục triệu lao động nước ta chỉ xuất khẩu 30%, làm sao kinh tế nước nhà mạnh và tự chủ?”, bà đặt câu hỏi.
Đa số doanh nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, tình hình kinh doanh cuối năm 2014 tiếp tục khó khăn mà một trong những nguyên nhân chính là “thiếu công nhân có tay nghề”. Bà Phạm Chi Lan khẳng định, tăng năng suất lao động là giải pháp hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, đưa kinh tế nước ta thoát khỏi khó khăn.
Có thể bạn quan tâm

Đến xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy những ngày này sẽ dễ dàng nhận thấy không khí hối hả xen lẫn niềm vui của người dân đang trông chờ một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt: đó là lễ công nhận xã nông thôn mới (NTM) dự kiến sẽ diễn ra vào những ngày cuối tháng 11 này.

Theo thống kê sơ bộ từ các ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 10.000 ha diện tích đất bị nhiễm cây mai dương- một loài thực vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, tốc độ phát tán cực nhanh trên diện rộng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Diễn đàn lần này nhằm tìm kiếm các giải pháp, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ĐBSCL, đồng thời tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ làm ăn, kinh doanh trên vùng đất này.

An toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, để có nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và các cấp quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm…) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đến nay ngoài Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC II) đổ bể, lại có Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.