Doanh nghiệp cam kết giá vải thiều tối thiểu 10.000 đồng một kg

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều vừa được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức sáng 11/5 tại vùng vải Lục Ngạn. Tuy hầu hết 20 doanh nghiệp xuất khẩu và phân phối tham dự vẫn trong giai đoạn thăm dò, song theo lãnh đạo địa phương, đã có đơn vị cam kết thu mua 10 ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP.
Về giá bán, ông Đặng Văn Thắng, Trưởng nhóm số 6 (mã vùng được doanh nghiệp lựa chọn) cho biết, thực tế, giá vải phụ thuộc từng ngày thu hoạch. "Có ngày buổi sáng giá lên, chiều lại giảm, không cố định. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đảm bảo với bà con nông dân sẽ mua với giá thị trường của vụ thu hoạch", ông nói.
Trong trường hợp giá bị rớt xuống còn vài nghìn đồng, theo vị này, doanh nghiệp vẫn cam kết thu mua với mức cao hơn giá thị trường, tối thiểu là 10.000 đồng mỗi kg. "Vải trồng tiêu chuẩn đi xuất khẩu đã rất vất vả, chi phí cao hơn mà bán với giá chỉ 10.000 đồng một kg thì hoàn toàn không có. Như vụ năm ngoái, giá đã dao động 12.000-25.000 đồng một kg rồi", ông Thắng cho hay.
Lãnh đạo địa phương cho biết do chưa vào vụ thu hoạch nên khó dự báo chính xác giá vải. Song, với cam kết giá thu mua của một doanh nghiệp, các đơn vị phân phối khác cũng quan tâm nhiều hơn đến quả vải Bắc Giang. Theo vị này, địa phương sẽ tạo điều kiện hết mức để các doanh nghiệp thu mua suôn sẻ.
Trước đó, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết vụ thu hoạch vải sẽ bắt đầu từ 15/5 đến nửa đầu tháng 7. Tổng sản lượng dự kiến của 2 tỉnh là Bắc Giang và Hải Dương đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng 120.000 tấn, số còn lại sẽ xuất khẩu. Mức giá được cơ quan quản lý dự báo sẽ tương đương với năm trước.
Một số địa phương tiêu thụ số lượng lớn vải thiều gồm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM… Thị trường phía Nam vẫn là khu vực tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng vải bán trong nước.
Trong khi đó, hướng xuất khẩu theo Bộ Công Thương, lượng lớn vải thiều sẽ được xuất sang Trung quốc- thị trường truyền thống. Các nước ASEAN như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có nhu cầu khá lớn về mặt hàng này.
Hiện, để chuẩn bị cho việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi, ngoài kết nối cung - cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối nội địa, Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan… để các mặt hàng nông sản trong đó có vải thiều được hưởng mức thuế suất 0% khi thâm nhập thị trường mới.
Mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó, cung cấp thị trường phía Nam 60.000 tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, giá bình quân vải thiều đạt 12.400 đồng mỗi kg, vải sấy 50.000 - 60.000 đồng mỗi kg, tổng giá trị từ vải thiều năm 2014 đạt trên 2.300 tỷ đồng. Dù đã xuất khẩu sang nhiều thị trường, song tiêu thụ vải vẫn bấp bênh do phần lớn sản lượng đều xuất vào Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm

Theo các chủ tàu chi phí viền thép sẽ tăng kinh phí lên từ 200- 250 triệu/chiếc, nhưng ngư dân nào cũng làm. Bởi ngoài việc chống xước lưới mỗi khi kéo cá về, viền thép sẽ tăng độ chịu va chạm giữa các tàu với nhau, nhất là những cú va chạm lớn. Mỗi lần vươn khơi, rủi ro luôn rình rập ngư dân. Do vậy việc chọn cách viền thép cho tàu, họ mong muốn tăng độ an toàn để có được những phiên biển dài ngày hơn.

Cây bắp có vị trí quan trọng sau cây lúa. Hiện ở ĐBSCL, cây bắp được đưa vào luân canh trên đất lúa nhằm giảm bớt sức ép sản xuất nhiều lúa gạo mà giá cả không ổn định, trong lúc thiếu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu hơn 3 tỷ USD/năm.

Philippines nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam vào tháng 5 – 8/2014 để dự trữ và kiểm soát giá gạo trong nước. Hiện nước này đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo giao tháng 9/2014 nhằm đảm bảo lương thực sau khi cơn bão Thần Sấm tàn phá nhiều vùng trồng lúa trong cả nước.

Huyện Tủa Chùa hiện có 66 công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho 1.101,5ha lúa mùa; 368ha lúa chiêm và 4ha thủy sản. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi còn đảm bảo nước tưới cho trên 300ha rau màu, cây công nghiệp; cung cấp hàng triệu mét khối nước phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.

6.000 tấn bán sang Trung Quốc mỗi ngày như hiện tại (riêng cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn) thì chỉ hơn tuần nữa dưa hấu lại khan hiếm.