Doanh Nghiệp Bội Tín, Hàng Nghìn Hộ Dân Trồng Ớt Điêu Đứng

Doanh nghiệp “bội tín”, không chịu thu mua ớt đã khiến nhiều nông dân huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế rơi vào cảnh lo lắng, thấp thỏm đi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo UBND xã Phong Hiền, chương trình trồng ớt cao sản xuất khẩu được triển khai vào tháng 1/2014, do Công ty Tân Phú Quang có địa chỉ tại Quảng Nam trực tiếp về vận động người dân trồng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 6.200 đồng/kg.
Công ty cũng đã tạm ứng cho bà con nông dân tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tin lời doanh nghiệp, bà con đã trồng ớt đại trà trên diện rộng. Nhưng khi ớt đã chín đỏ ngoài đồng thì chẳng thấy doanh nghiệp đâu.
Ông Trần Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, Phong Điền, TT-Huế cho biết: “Xã đã chuyển đổi trồng 7 ha ớt. Phía công ty Tân Phú Quang cũng đã cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá 6.200 đồng/kg. Nhưng do phía đối tác của công ty Tân Phú Quang bị biến động thị trường nên không thể thu mua”.
Thực trạng này cũng diễn ra tại một số địa phương khác của huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế như: Phong Chương, Điền Hương, Điền Lộc... Hiện trên địa bàn toàn huyện có khoảng 20 ha ớt cao sản đang trong tình trạng không có đầu ra. Nguyên nhân khiến công ty không thu mua ớt cho bà con là do phía thương lái Trung Quốc không thu mua ớt cao sản nữa, bên cạnh đó, hiện tại nhiều địa phương khác cũng đang thu hoạch ớt khiến mặt hàng này bị ứ đọng.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Phong Điền cho biết: “Doanh nghiệp đưa ra hai giải pháp đó là thu mua ớt với mức giá mới chỉ 4.000 đồng/kg; hoặc sẽ hỗ trợ cho người dân 500.000 đồng/sào ớt”.
Ớt là một trong những cây hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Đặc biệt, cây ớt có khả năng chịu hạn khá tốt, rất phù hợp với một địa phương thường xuyên bị khô hạn như tỉnh TT-Huế. Chính vì vậy trong thời gian tới, bà con vẫn tiếp tục chọn cây ớt để gieo trồng, dù biết đầu ra cho sản phẩm khá bấp bênh.
Việc công ty "bội tín", không thu mua ớt cho bà con nông dân không những gây thiệt hại kinh tế cho bà con, mà còn làm mất niềm tin của người dân địa phương dành cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian phát triển “nóng”, ngành cá tra Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do nội tại ngành thiếu sự liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị và gặp phải rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Để ổn định, phát triển bền vững, đòi hỏi các bên có liên quan tích cực vào cuộc, thực hiện “nâng cấp” toàn diện chuỗi giá trị cá tra, từ khâu sản xuất đến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước…

Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Ninh Thuận khuyến cáo mô hình nuôi ốc hương và trồng rong sụn với cách nuôi trồng cải tiến có nhiều ưu điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ở vùng ven biển.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thâm canh nên tỷ lệ lươn sống của gia đình ông Đỗ Hữu Biên ở thôn Hoàng Thượng, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) đạt cao…

Tổng cục Thủy sản vừa có Văn bản số 784/TCTS-NTTS về việc chỉ đạo phòng chống bệnh cho nghêu (còn gọi là ngao) nuôi năm 2015 trước tình hình nghêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Tiền Giang.
Chuyến vươn khơi bám biển đầu năm, ngư dân Hải Phòng trúng “lộc” biển, cá tôm được giá. Dù vậy, không ít chủ tàu thuyền đau đầu vì tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, kinh nghiệm khai thác tài nguyên biển.