Đổ xô trồng tràm giống

Cây tràm có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, sử dụng trong xây dựng... Phong trào trồng rừng tràm không chỉ lan rộng tại Đồng Nai mà thương lái còn đưa giống tràm cung cấp cho khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
“Rộ” nghề sản xuất giống tràm
Nhận thấy nhu cầu thị trường về giống cây tràm ngày càng lớn, người dân trên địa bàn Đồng Nai đổ xô lập vườn tràm giống, cắt hom tự ươm giống hay bán cho các vườn ươm giống. Vốn đầu tư lập vườn ươm tràm giống không lớn, lại nhanh cho thu hoạch nên nông dân đua nhau đầu tư, người có tiền thì làm vườn ươm rộng hàng hécta, người ít vốn thì tận dụng vài sào đất ngay trong vườn nhà. Cây tràm cao sản phát triển tốt vào mùa nắng, cứ khoảng 13 hay 15 ngày là các vườn này lại tấp nập cảnh người đến cắt hom tràm thuê, trong đó không thiếu người già, trẻ em tận dụng thời gian nhàn rỗi đi làm thêm để có thu nhập. Đó cũng là lúc vào vụ làm đất, trộn phân, giâm hom.
Chị Trần Thị Lệ, chủ của 3 hécta vườn tràm giống ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Mảnh đất khô cằn vùng này chỉ có thể trồng cây tràm giấy là thích hợp nhất. Theo đó, địa phương xuất hiện làng nghề ươm hom tràm giống. Dần dần thương lái ở các nơi biết tiếng tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều nên nghề này vẫn đang rất phát triển và cho thu nhập ổn định”.
Người dân ở huyện Vĩnh Cửu theo nghề trồng tràm giống, cắt hom, làm vườn ươm ngày càng nhiều khi phong trào trồng rừng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Bà Nguyễn Ngọc Cẩm (ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), so sánh: “Một cây hom giống hiện giờ được bán với giá 500 đồng, trừ chi phí nhân công, tiền đất và vật tư thì chủ vườn lời được khoảng 150 đồng/cây. Với diện tích là 1,2 hécta vườn ươm tràm, mỗi năm tôi bán cho các cơ sở thu mua hom giống 2 vụ, mỗi vụ gần 2 triệu cây hom. Không chỉ chủ vườn có lợi nhuận mà còn lao động nhàn rỗi ở nông thôn được giải quyết việc làm với thu nhập ổn định”.
Cho thu nhập tốt
Ông Nguyễn Văn Lâm, nông dân tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), tính toán: “Vụ này, tôi đang chuyển đổi vườn mía sang trồng rừng tràm vì cây tràm cho thu nhập cao hơn hẳn. Cây tràm không tốn nhiều công chăm sóc cũng như chi phí đầu tư, giá thu mua sản phẩm khá ổn định nên địa phương đang rộ lên phong trào trồng cây rừng này. Không chỉ nông dân mà nhiều đại gia bỏ tiền thuê hàng chục hécta để trồng tràm, thu lợi nhuận tiền tỷ”.
Đại diện Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam bộ (TP.Hồ Chí Minh), đầu tư khu sản xuất giống nuôi cấy mô tại huyện Long Thành, nhận xét: “Phong trào trồng rừng ngày càng phát triển mạnh với đủ mọi thành phần tham gia từ nhà nước, doanh nghiệp, nông dân. Nhờ lợi nhuận từ nghề trồng rừng tốt, người dân ngày càng quan tâm về chọn lựa giống ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trước đây, giống tràm nuôi cấy mô chỉ bán được cho doanh nghiệp, chủ trang trại lớn thì nay không ít nông dân trồng nhỏ lẻ cũng chọn loại giống này”.
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu của ngân hàng ANZ, trong khoảng một năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực khi tăng tới 15%.

Do chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao nên nhiều tháng qua, ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Phú Yên không ra khơi vì thua lỗ. Việc bất ngờ trúng mùa cá ngừ là tín hiệu vui cho hơn 1.000 tàu khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh này.

LĐLĐ tỉnh Phú Yên chiều 18/3 đã tổ chức lắp đặt 4 máy I-COM BX 1700 cho 4 ngư dân tiêu biểu của Nghiệp đoàn Nghề cá phường Xuân Thành.

Khoảng 3.000 ha còn lại được gieo trồng rải rác ở vùng đất cát pha ven biển từ các huyện Nghi Lộc ra đến Quỳnh Lưu và một số ít được gieo trồng 2 bên khe suối, dưới chân đồi thấp ở các huyện miền núi cao.

Thời tiết âm u kéo dài, độ ẩm không khí cao khiến bệnh đạo ôn phát sinh mạnh, gây hại đối với sự sinh trưởng của lúa xuân. Mặc dù các địa phương và bà con nông dân đã chủ động phòng trừ, song bệnh đạo ôn vẫn đang đe dọa lúa xuân.