Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Không Nâng Chất Lượng, Cá Ngừ Rất Khó Đi Nhật

Không Nâng Chất Lượng, Cá Ngừ Rất Khó Đi Nhật
Ngày đăng: 06/10/2014

Suốt 3 ngày làm việc (từ 1 - 3/10), đoàn chuyên gia thủy sản của Nhật Bản và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã tìm ra nguyên nhân vì sao lô cá ngừ đầu tiên đi Nhật thành công không như mong đợi.

Đơn vị đưa lô cá ngừ đầu tiên của Bình Định thâm nhập thị trường Nhật Bản là Cty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO).

Để có sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Bình Định, ngành chức năng và trực tiếp là Cty BIDIFISCO đã mất nhiều thời gian, công sức, dồn mọi nỗ lực từ việc xúc tiến thương mại đến công tác vận động ngư dân thay đổi kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá ngừ…nhưng kết quả mang lại không như mong đợi.

Bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty BIDIFISCO cho biết: “Lô cá ngừ đầu tiên công ty chúng tôi đưa đi Nhật gồm 10 con, tổng trọng lượng 448kg. Với giá thu mua 122.400đ/kg, lô cá nói trên có chi phí thu mua gần 54,9 triệu đồng.

Thêm vào đó, chi phí vận chuyển hàng không 2 chặng sang đến Nhật, chi phí lưu kho, thuế… mất thêm gần 66,6 triệu đồng nữa. Cả tiền mua cá và chi phí vận chuyển sang đến Nhật Bản lên đến 121,5 triệu đồng. Sang đến trung tâm đấu giá Osaka, lô cá ngừ 448kg nói trên chỉ bán được hơn 113,6 triệu đồng, vị chi lô hàng này chúng tôi lỗ mất gần 8 triệu đồng”.

Qua xem xét, phân tích thực tế, ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Việt tại Saikai, kiêm chủ tịch Cty Kato Hitoshi General Office, đưa ra giải pháp: “Để giảm chi phí, mỗi lô hàng xuất khẩu sang Nhật phải được tăng số lượng để giảm chi phí chuyến bay, ngoài ra đơn vị cung ứng phải kết nối chuyến bay thật tốt để hàng không phải mất chi phí lưu kho.

Thế nhưng để thực hiện được những điều nói trên, chất lượng cá ngừ của Bình Định phải được nâng cao”.

Qua kết quả phân loại cá của chuyến biển trong mô hình khai thác cá ngừ XK sang Nhật, các chuyên gia thủy sản Nhật Bản và ngành chức năng tỉnh này nhận định: Tỉ lệ cá loại 1 XK có tăng, đạt 30% tổng lượng cá đánh bắt được, trong khi cá câu vàng trước kia chỉ đạt 1%. Tuy nhiên, với tỉ lệ này vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Số lượng cá đạt yêu cầu XK vẫn còn quá thấp dù đã áp dụng kỹ thuật đánh bắt và bảo quản cá với thiết bị mới. Đặc biệt, trong lô cá ngừ được 5 tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn nằm trong dự án đánh bắt về để chọn những con “tiên phong” đi Nhật vừa qua phát hiện có không ít con thịt bị cháy và nhão sau khi mổ kiểm nghiệm.

“Nguyên nhân chính là do ngư dân sử dụng chưa đúng hoặc sử dụng chưa thành thạo các trang thiết bị đánh bắt mới như máy shocker, máy thu thả tự động, chưa thực hiện đúng và đầy đủ quy trình xử lý cá sau khi đưa cá lên tàu.

Cả việc bảo quản cá sau khi xử lý cũng có vấn đề, đặc biệt là thời gian cá nằm ngoài biển còn quá dài, gấp đôi quy định, do ngư dân chưa thực hiện việc vận chuyển luân phiên cá vào bờ”, ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục KT-BVNLTS Bình Định, thừa nhận.

“Thời gian tới, Bình Định sẽ trang bị thêm mỗi tàu cá của ngư dân tham gia mô hình từ 3-4 bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ theo kiểu Nhật Bản và hỗ trợ ngư dân cải tạo lại hầm bảo quản trên tàu; tổ chức tập huấn cho ngư dân sử dụng thành thạo quy trình kỹ thuật.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo Cty BIDIFISCO cử cán bộ sang Nhật học phương pháp đánh giá phân loại, định giá và tính toán thu mua sản phẩm với giá cao nhằm khuyến khích ngư dân”, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Thêm vào đó, mặc dù giữa Cty BIDIFISCO và nhóm tàu ngư dân tham gia mô hình đã ký kết hợp đồng, nhưng thực tế giữa 2 bên có mối liên kết còn lỏng lẻo; trong nội bộ nhóm tàu chưa có mối quan hệ chặt chẽ để phân công nhau thực hiện việc luân chuyển cá về bờ theo thời gian quy định.

Đối với ngư dân tham gia mô hình, họ cho rằng giá mua tăng 20% của BIDIFISCO chưa đủ động viên họ tự nguyện quy trình đánh bắt, vận chuyển mới được đề ra. Do đó, họ vẫn đang chạy theo sản lượng, lấy số lượng làm mục tiêu đánh bắt.

Sau 3 ngày làm việc, các chuyên gia thủy sản Nhật Bản nằm trong Hội Hữu nghị Nhật Việt tại Sakai và Cty Kato Hitoshi General Office và ngành chức năng Bình Định nhận thấy vẫn còn một số tồn tại làm hạn chế việc đưa cá ngừ của tỉnh này thâm nhập thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhìn nhận việc thực hiện mô hình của Bình Định đang đi đúng hướng, có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai bên trong thời gian đến mới có thể có kết quả tốt.

Ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Việt tại Saikai, kiêm chủ tịch Cty Kato Hitoshi General Office và ông Masakazu Shoga, chuyên gia về thủy sản của Kato Hitoshi General Office cho rằng, thị trường tiêu thụ cá ngừ của Bình Định tại Nhật Bản luôn rộng mở.

Vấn đề là Bình Định phải khắc phục dứt điểm các hạn chế trong khai thác, bảo quản, xử lý, phân loại, định giá cá ngừ trước khi đưa sang Nhật Bản.

Hội hữu nghị Nhật Việt tại Saikai và Cty Kato Hitoshi General Office sẽ tiếp tục hỗ trợ Bình Định thực hiện vấn đề nói trên, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tìm nguồn vốn hỗ trợ tạo điều kiện cho Bình Định tiếp tục hỗ trợ ngư dân mua thêm các trang thiết bị để khai thác cá ngừ đạt hiệu quả hơn.


Có thể bạn quan tâm

Việt Nam gia tăng nhập gia súc để vỗ béo từ Úc Việt Nam gia tăng nhập gia súc để vỗ béo từ Úc

Thị trường xuất khẩu gia súc sống từ Úc sang Việt Nam đang có sự thay đổi với số lượng gia súc được mua về để vỗ béo tăng lên thay vì mua gia súc để mổ thịt ngay.

24/11/2015
Buồn vui nghề chăn nuôi Buồn vui nghề chăn nuôi

Dịch bệnh rình rập, đầu ra bấp bênh, chi phí sản xuất liên tục tăng, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp... Đó là những gì mà người chăn nuôi trong tỉnh Quảng Ngãi đang phải gánh chịu từ nhiều năm qua.

24/11/2015
Làm giàu từ nuôi rắn Làm giàu từ nuôi rắn

Chăm chỉ và quyết tâm, ông Lục Văn Thắng, dân tộc Nùng, thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ trâu kết hợp với làm vườn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

24/11/2015
Thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững Thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững

Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Đăk Lăk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”.

24/11/2015
Sản xuất nấm rơm cho lợi nhuận cao Sản xuất nấm rơm cho lợi nhuận cao

Nếu tận dụng tối đa các nguồn rơm rạ để sản xuất nấm rơm thì sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở các địa phương.

24/11/2015