Đổ Xô Khai Thác Tôm Hùm Trắng

Tại Phú Yên gần 1 tháng qua, mỗi sớm, trên những bãi biển thuộc các xã An Ninh Đông, An Hải, An Hòa (huyện Tuy An), Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa), Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu) luôn nhộn nhịp. Trên bờ, các thương lái chờ sẵn với thùng xốp, máy sục khí ôxy.
Sáu giờ, nhiều ngư dân vội vã chèo thúng chai vào bờ để kịp giao những con tôm hùm trắng còn búng tanh tách cho thương lái để bán lại cho các bè ươm nuôi tôm hùm thương phẩm. Cảnh mua bán nhộn nhịp diễn ra ngay trên bờ biển. Thương lái nhẹ nhàng đếm từng con tôm hùm trắng và trả tiền ngay cho ngư dân.
Ông Trần Văn Sỹ (xã An Ninh Đông) cho biết vừa bắt được 42 con tôm hùm trắng. “Giá tôm hùm giống dù đã hạ nhưng vẫn còn 230.000 đồng/con, chỉ trong một đêm, 2 cha con tôi kiếm được gần 10 triệu đồng. Chỉ một đêm mà bằng nhà tôi làm ruộng cả mùa” - ông Sỹ hào hứng. Kế bên, ông Huỳnh Chiến Thắng (ngụ xã An Ninh Đông) cùng 2 con mở thùng đựng tôm ra đếm: 51 con. “Nếu suốt năm đều được như vầy, chắc tôi cất nhà to” - ông Thắng vui ra mặt.
Tôm hùm trắng là tôm hùm con mới nở ngoài khơi, theo sóng dạt vào gần bờ, nhiều nhất ở vùng biển có san hô hoặc ghềnh đá. Mỗi năm, tôm hùm trắng chỉ xuất hiện vào mùa biển động, tức từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch.
Đoán biết được thời gian tôm hùm trắng xuất hiện nên ngư dân đổ xô ra biển khai thác bằng nhiều phương thức, trúng nhất là với mành tôm. Người dân chèo thuyền ra các ghềnh đá rồi thả lưới có kích cỡ nhỏ, chong đèn để tôm theo ánh sáng bám vào, cứ vậy kéo lên bắt.
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm thương phẩm phát triển mạnh, trong khi trên thế giới chưa nơi nào nghiên cứu thành công việc cho tôm hùm sinh sản nhân tạo, chỉ dựa vào con giống tự nhiên nên giá tôm hùm giống ngày càng cao.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, hiện tỉnh này có trên 700 thuyền hành nghề mành tôm. Phần lớn đều là những thuyền có công suất nhỏ, chưa có vốn chuyển đổi, chỉ đánh bắt gần bờ nhưng thu nhập lại rất cao.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến nay, trung tâm đã hỗ trợ 1.650 đĩa nấm và trên 5.600 bịch thành phẩm nấm xanh cho nông dân các huyện Vị Thủy, Long Mỹ và Phụng Hiệp, đạt 82,5% kế hoạch cấy. Với mô hình này, đã quản lý được hơn 1.120ha lúa để phòng trừ rầy nâu ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, giúp nông dân nắm kỹ thuật sản xuất, cũng như sử dụng nấm xanh để quản lý dịch hại trên lúa.

Bệnh tập trung gây hại trên mía đẻ nhánh, vươn lóng. Bệnh trắng lá mía chưa có thuốc đặc trị, biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh. Do vậy, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo nông dân: Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc cây bị bệnh để hạn chế lây lan.

Không ít nông sản đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bán với giá cả như sản xuất thường là một thực tế diễn ra tại rất nhiều hợp tác xã hiện nay. Nhưng đằng sau câu chuyện đầu ra, nhiều chuyên gia nhận định “cái được trước mắt là qua những buổi tập huấn làm theo quy trình, ít nhiều nông dân nhận thức được thế nào là sản xuất an toàn”.

Những năm qua, nông dân Sóc Trăng đã sử dụng giống lúa thơm dòng ST, đặc biệt là lúa ST5 đưa vào sản xuất với diện tích cao, trong đó có nhiều cánh đồng lớn sử dụng giống này. Do dễ trồng, cho năng suất và giá trị cao nên nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng giống lúa được công nhận cấp Quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua giá bán đã giảm nhiều, thậm chí nông dân còn không bán được lúa nên đã có nhiều nông dân bỏ sản xuất giống cấp Quốc gia.

Bí xanh giống Thiên Thanh 5 được cho là ít sâu bệnh, nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả/sào. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 10 – 13 nghìn đồng/kg, người trồng bí sẽ thu hơn 10 triệu đồng/sào.