Đồ gỗ dẫn đầu về xuất khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị XK đồ gỗ đã đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Mỹ vẫn là thị trường NK lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam, với giá trị đạt hơn 762 triệu USD trong 4 tháng qua, tiếp đó là Nhật Bản 306 triệu USD, Trung Quốc 289 triệu USD …
Trong khi XK đồ gỗ vẫn có mức tăng trưởng khá tốt, thì trong 4 tháng qua, XK thủy sản lại giảm mạnh khi chỉ đạt 1,89 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 359 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Chính vì vậy, gỗ đã vượt qua thủy sản, trở thành mặt hàng nông nghiệp có giá trị XK lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, XK đồ gỗ đầu năm nay nhìn chung khá thuận lợi.
Nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế khiến cho nhiều nhà máy ở các nước sản xuất gỗ lớn tại châu Âu như Ý, Đức … phải thu hẹp quy mô sản xuất vì chi phí tăng cao.
Trong khi đó, XK đồ gỗ của Trung Quốc sang Mỹ vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bởi bị áp thuế CBPG khá cao.
Không những vậy, thông tin từ một số thương nhân ngành gỗ cho hay, chi phí nhân công ngành gỗ ở Trung Quốc lại vừa tăng lên khá nhiều, làm cho giá thành sản xuất gỗ ở nước này tăng đáng kể.
Cùng với những mâu thuẫn chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản …, nhiều nhà NK ở những thị trường này vốn có thói quen đặt hàng từ Trung Quốc, đang chuyển dần đơn hàng sang Việt Nam.
Nhờ những yếu tố trên, cộng với sự năng động của các DN khi đã nhanh chóng lấp được chỗ trống trên thị trường đồ gỗ thế giới, do ngành gỗ ở các nước châu Âu giảm mạnh sản xuất, các DN ngành gỗ Việt Nam đã có thêm được nhiều hợp đồng, mở rộng thị trường XK.
Trong những tháng cuối năm nay, tình hình XK gỗ được các doanh nhân nhận định là sẽ tiếp tục thuận lợi.
Trước hết, đến thời điểm này, so với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng mà các DN ngành gỗ nhận được từ các nhà NK nước ngoài đã khá hơn nhiều.
Phần lớn các DN hiện đã có đơn hàng XK đến hết tháng 6, tháng 7. Thậm chí theo ông Lê Đức Nghĩa, TGĐ Cty An Cường, nhiều DN đã có đơn hàng XK cho đến hết năm nay.
Bên cạnh đó, một điều đáng ghi nhận là nguồn cung gỗ nội địa đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây, gỗ nguyên liệu phụ thuộc tới 80% là NK từ nước ngoài thì đến năm 2014, đã giảm xuống chỉ còn khoảng 40-50%.
Như vậy có nghĩa là sản xuất gỗ nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được tới 50-60% nhu cầu gỗ cho chế biến, XK. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi đẩy mạnh XK đồ gỗ vào Mỹ, EU …, bởi khi nguồn gỗ nguyên liệu từ nội địa tăng cao, thì DN ngành gỗ sẽ dễ dàng hơn trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu, thay vì NK gỗ từ những nguồn chưa đáng tin cậy như trước đây.
Mặt khác, cũng theo ông Huỳnh Văn Hạnh, khi ASEAN trở thành cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay, mà gỗ là 1 trong 12 nhóm hàng được ưu tiên, sẽ tạo điều kiện thuận lợi không nhỏ cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam thâm nhập vào thị trường gỗ của các nước trong khu vực.
Với vị thế là nước XK đồ gỗ lớn nhất ở khu vực ASEAN hiện nay, đồng thời đã thâm nhập, đứng vững ở các thị trường lớn và khó tính nhất như Mỹ (Việt Nam là nước XK đồ gỗ đứng thứ 2 vào Mỹ, sau Trung Quốc), Nhật Bản, EU …, ngành gỗ Việt Nam đang có nhiều ưu thế so với ngành gỗ nhiều nước khác trong khu vực. Nếu nắm bắt tốt thời cơ này, khả năng mở rộng thị trường, gia tăng giá trị XK của ngành gỗ Việt Nam là không nhỏ.
Với những thuận lợi như trên, Bộ Công thương đã đạt ra mục tiêu XK đồ gỗ trong năm nay sẽ đạt giá trị 7 tỷ USD, tăng gần 800 triệu USD so với năm 2014. Nhưng theo Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, XK đồ gỗ của nước ta trong năm nay hoàn toàn có thể đạt 7,2 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm

Xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đến với thị trường là một trong những nội dung chính trong chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp mà tỉnh ta đang hướng đến. Bằng nhiều cách làm, chính sách cụ thể, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh đang được trao cơ hội chinh phục thị trường, khẳng định uy tín, thương hiệu đối với người tiêu dùng.

Sáng 27/3, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty Thông Thuận tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm năm 2014 cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh.

Ngày 26/3, tại xã Ea Ly (Sông Hinh), Sở NN-PTNT Phú Yên phối hợp với Công ty TNHH SX - TM Hoàng Long ViNa tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu, áp dụng cơ giới hóa và sử dụng phân bón Hoàng Long ViNa, niên vụ 2013-2014. Gần 150 nông dân các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa đến tham quan mô hình.

Bên cạnh ngành lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa quyết định giảm lãi suất cho vay phục vụ nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản cho biết không dễ để tiếp cận nguồn vốn này.

Hiện nay, hầu như bà con nuôi tôm công nghiệp đều sử dụng mô-tơ điện để chạy quạt, máy sụt khí... Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì tai nạn lao động do điện trong nuôi tôm ngày càng tăng, nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc đã xảy ra.