Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đổ bỏ nhiều tấn hành tây vì chờ tăng giá

Đổ bỏ nhiều tấn hành tây vì chờ tăng giá
Ngày đăng: 20/06/2015

Anh Phan Thanh Hùng, tổ 1, khu Đất Mới, phường 7 cho biết, trong vòng 3 tuần trở lại đây, gia đình anh đã phải đổ bỏ khoảng 5 tấn hành do bị hư thối. Ngày 15/6 vừa qua, anh Hùng cũng đã phải gọi thương lái tới bán tháo 4 tấn hành đang có nguy cơ hư hỏng với giá chỉ 500 đồng/kg.

Vụ hành tây Đông Xuân 2014 - 2015, gia đình anh Hùng trồng hơn 8 sào, thu hoạch được khoảng 80 tấn. Vào thời điểm hành được thu giá chỉ 2.000 đồng/kg nên vợ chồng anh quyết định thuê người thu hoạch, đem tất cả cho vào kho tích trữ, chờ tăng giá. Thế nhưng, do thu hoạch trúng mưa nên hành chỉ để được 2 tháng thì xảy ra tình trạng thối rữa, lên mầm trong khi giá chỉ nhích lên được vài trăm đồng so với thời điểm chính vụ.

Chỉ cách một vườn rau bên kia là gia đình ông Nguyễn Thành cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Trong vòng hơn một tháng qua, gia đình ông Thành đã phải đổ bỏ khoảng 2 tấn hành trong tổng số hơn 30 tấn đang trữ trong kho vì hư thối. Gia đình ông Thành vẫn chưa chịu bán hành vì thời điểm này giá đang rất thấp, hành loại 1 có giá cao nhất là 2.900 đồng, loại xấu hơn chỉ vài trăm đồng/kg. Mấy ngày gần đây, giá hành đã nhích lên được thêm vài trăm đồng nên người tích trữ hành đang kỳ vọng trong thời gian tới mặt hàng này sẽ khả quan hơn.

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có thống kê cụ thể về sản lượng hành tây bị hư hỏng dẫn đến việc người dân phải đổ bỏ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, chỉ riêng khu vực Đất Mới, phường 7, số hành tây bị hư hỏng đã lên tới hàng chục tấn. Bên cạnh đường vào khu Đất Mới, nhiều đống hành hư hỏng được chủ đổ ủ làm phân xanh, đây là thực trạng đã từng diễn ra trong niên vụ hành 2014.

Gia đình anh Phan Thanh Hùng bán tháo hành tây có nguy cơ hư hỏng với giá 500 đồng/kg

Ông Nguyễn Quang Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7 cho biết, trong vụ Đông Xuân vừa qua, thống kê riêng tại khu vực Đất Mới có khoảng 200ha hành, tương đương với 2.000 tấn hành củ thương phẩm. Tuy nhiên, năm nay giá hành từ đầu vụ xuống rất thấp nên phần lớn người dân thu hoạch cho vào kho trữ chờ giá lên mới bán. Do gặp thời tiết bất lợi ngay từ lúc mới thu hoạch nên đã dẫn đến hành mới trữ được 2 tháng thì xảy ra hư hỏng, thối rữa hoặc lên mầm. Thực trạng trên chủ yếu rơi vào giống hành Mỹ hoặc Hà Lan, riêng giống hành tây Nhật thì có thể trữ trong kho được lâu hơn.

Theo ông Thuận, so với năm trước, vụ hành tây năm nay người dân thiệt hại ít nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân khiến giá hành tây xuống thấp trong hai năm qua là do người dân đã đổ xô trồng hành tây quá nhiều, không riêng gì Đà Lạt mà các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng người dân cũng trồng với diện tích rất lớn. “Cung vượt quá cầu đã khiến người nông dân phải gánh thiệt hại như hôm nay mặc dù cơ quan chức năng đã vận động người dân không nên tập trung trồng hành tây quá nhiều. Thế nhưng, thói quen canh tác trong nhiều năm qua đã khiến người dân không dứt được khỏi với cây trồng này mặc dù nó đang có quá nhiều may rủi” - ông Thuận nói.

Trong khi đó, một nông dân chuyên trồng hành tây là bà Nguyễn Thị Thủy, khu Đất Mới cho biết, những năm gần đây làm nông nghiệp khả năng rủi ro rất cao. Trong tất cả các cây trồng của Đà Lạt, khi gặp rủi ro về giá vào thời điểm được thu hoạch thì hành tây, khoai tây là cây có thế mạnh đặc biệt, bởi có thể trữ vào kho được 3 - 4 tháng nhằm chờ cơ hội lên giá, trong khi hầu hết các loại cây trồng còn lại đều không làm được điều này. Đó là lý do chính dù không mặn mà nhưng người dân vẫn chọn hành tây để trồng vào vụ Đông Xuân.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Nhím, Lãi 50 - 60 Triệu Đồng Nuôi Nhím, Lãi 50 - 60 Triệu Đồng

Ông Năm Nhãn thiết kế nền chuồng bằng xi măng, chung quanh được xây tường cao 1,5 m, trong chuồng được chia thành nhiều ô, mỗi ô có diện tích 1,5 m2, vách ngăn các ô được làm bằng lưới sắt. Nhím là loại ăn tạp nên không kén thức ăn, chủ yếu ăn rau, củ, quả và các sản phẩm nông nghiệp như: cám, gạo, bắp, khoai lang...

19/01/2015
Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Cần Giải Pháp Căn Cơ, Lâu Dài Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Cần Giải Pháp Căn Cơ, Lâu Dài

Ngày 16/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã chủ trì cuộc họp với UBND huyện Đơn Dương, đại diện Cty sữa Đà Lạt Milk (nay là TH true Milk) nhằm kiểm tra, đánh giá và tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà ngành chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng đang gặp phải trong thời gian gần đây.

19/01/2015
Khá Giả Nhờ… Nuôi Vịt Đẻ Khá Giả Nhờ… Nuôi Vịt Đẻ

Trước đây, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1980) ở buôn Tung 1, xã Buôn Triết (huyện Lak, tỉnh Dak Lak) chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước, nhưng hằng năm thường bị hạn hán, lũ lụt nên năng suất bấp bênh, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

19/01/2015
Gần 90 Con Gia Súc Ở Huyện Sa Pa Và Bát Xát Chết Vì Rét Gần 90 Con Gia Súc Ở Huyện Sa Pa Và Bát Xát Chết Vì Rét

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, để chủ động phòng, chống đói rét, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần che chắn chuồng gia súc, tránh gió lùa, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp; đồng thời chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng. Nguồn thức ăn cần bảo đảm cân đối giữa tinh bột, chất đạm, chất khoáng để có đủ năng lượng chống rét. Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để tăng khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi.

19/01/2015
Vui Buồn Chuyện Nuôi Nhím Vui Buồn Chuyện Nuôi Nhím

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lang Khánh Suyên ở Thị trấn Kim Sơn khi gia đình ông chuẩn bị làm vía cho đứa cháu nội sắp đầy tháng. Dù đang bận bịu công việc, nhưng khi thấy những vị khách miền xuôi quan tâm nhiều đến con nhím, ông Suyên gác lại công việc và say sưa kể. Từ năm 2003, sau khi bán hết đàn trâu thả rông trong rừng, ông Suyên bắt đầu mày mò nuôi nhím.

19/01/2015