Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điều Ghi Được Ở Xã Có Tỷ Lệ Đại Gia Súc Được Nuôi Nhốt Cao Nhất Tỉnh Lào Cai

Điều Ghi Được Ở Xã Có Tỷ Lệ Đại Gia Súc Được Nuôi Nhốt Cao Nhất Tỉnh Lào Cai
Ngày đăng: 27/06/2012

Hầu hết gia đình ở xã Việt Tiến (Bảo Yên - Lào Cai) nuôi trâu; 100% đàn trâu khi thả có người chăn dắt và khi đưa về được nhốt trong chuồng. Những đợt rét khốc liệt xảy ra vài năm gần đây khiến đàn gia súc của nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhưng Việt Tiến không có bất cứ con trâu nào bị chết rét…

Cũng như nhiều xã vùng cao khác, chăn nuôi đại gia súc ở Việt Tiến khá phát triển và trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người dân ở đây có thói quen chỉ nuôi trâu mà không nuôi bò hoặc ngựa. Trong số hơn 600 hộ của xã, hầu hết các hộ đều nuôi trâu, tổng đàn trâu của xã nhiều năm qua ổn định và dao động trong khoảng từ 800 - 900 con. Con trâu không chỉ giúp bà con nơi đây sức kéo mà còn là nguồn thu không nhỏ. Mặc dù ở Việt Tiến, trâu được nuôi chủ yếu tại hộ gia đình, quy mô còn nhỏ, nhưng ngày càng thể hiện rõ nét là một nghề và đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trâu theo hướng tập trung, hàng hóa.

Theo ông Hà Văn Lên, Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến, trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ xã đều nghị quyết về phát triển đàn đại gia súc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đồng cỏ, đồi rừng ở địa phương. "Thuận lợi ở Việt Tiến là đại đa số các hộ dân sống bằng nghề nông, cấy lúa, trồng hoa màu, có nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng và hầu như nhà nào cũng nuôi trâu. Do đó, chủ trương này được bà con đồng tình ủng hộ, đồng thời có ý thức để vừa phát triển đàn đại gia súc, thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, vừa bảo vệ được mùa màng, đồi rừng", ông Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

Vấn đề khó nhất trong chăn nuôi đại gia súc là việc chăn thả, nếu thả rông sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông - lâm nghiệp, đến vệ sinh môi trường cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai nghị quyết tới người dân, xã đặc biệt quan tâm đến công tác này. Chủ trương phù hợp với thực tiễn cuộc sống nên được nhân dân tán đồng, tất cả 11 thôn bản trong xã đã đưa quy định cấm thả rông gia súc vào hương ước với chế tài xử lý bằng tiền mặt và là một trong những tiêu chí bình xét gia đình văn hóa hằng năm. Vì vậy, tất cả các hộ nuôi trâu ở Việt Tiến đều thực hiện triệt để không thả rông gia súc, trâu khi thả đều có người chăn dắt và khi đưa về nhà trâu đều được nhốt cẩn thận.

Việt Tiến vẫn là xã nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên chưa có nhiều hộ làm chuồng trại kiên cố. Đại đa số hộ chăn nuôi trâu ở đây tận dụng những vật liệu sẵn có như gỗ, tre, nứa... làm chuồng trâu, mùa đông thì gia cố, che chắn tránh gió lùa kết hợp với đốt lửa sưởi ấm cho trâu. Chuồng trâu đều được làm ở vị trí hợp lý, không gần nhà ở, không ảnh hưởng đến nguồn nước và đặc biệt là không nhốt trâu dưới gầm nhà sàn. Chuồng trâu bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, vừa bảo vệ được đàn trâu, không để trâu phá hoại mùa màng, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời bà con tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng. Mặc dù trong những năm gần đây, năm nào cũng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại khốc liệt kéo dài khiến đàn gia súc của nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhưng xã Việt Tiến không có bất cứ con trâu nào bị chết rét. Ông Hoàng Mạnh Thắng, ở bản Già Hạ, xã Việt Tiến nói vui: Mấy vụ rét vừa rồi, tôi phải đi nơi khác mua thịt trâu chết rét về ăn, chứ ở xã làm gì có!

Ông Trần Bá Quả, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: Vấn đề là mỗi hộ dân xác định bảo vệ con trâu cũng là bảo vệ tài sản của gia đình mình, bảo vệ sản xuất nên tự giác thực hiện. Việc gia súc được nuôi nhốt là một trong những thuận lợi của xã khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, vì xã đã giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn.

Ở một xã nghèo như Việt Tiến, hầu hết các hộ có nuôi trâu, vậy mà những vấn đề đặt ra trong phát triển đại gia súc đã được giải quyết rất tốt. 100% đàn trâu được nuôi nhốt (là xã có tỷ lệ gia súc được nuôi nhốt cao nhất tỉnh) và có người chăn dắt, sản xuất nông - lâm nghiệp được bảo vệ, vệ sinh môi trường được bảo đảm... là tiền đề quan trọng để Việt Tiến phát triển nghề nuôi trâu theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa.

Có thể bạn quan tâm

Lợi Ích Từ Hệ Thống Nước Thải Ao Nuôi Cá Lợi Ích Từ Hệ Thống Nước Thải Ao Nuôi Cá

Hiện nay, nhiều hộ nông dân vùng cù lao huyện Phú Tân đang tiếp tục đẩy mạnh nghề nuôi cá tra ao, hầm. Hai xã Hòa Lạc và Phú Bình có hơn 150 hộ, với gần 200 ha đất mặt nước nuôi cá ao, hầm. Hàng ngày các hộ nuôi cứ mặc tình thải lượng nước khổng lồ ra sông một cách vô tội vạ…

23/02/2014
Thị Xã Hoàng Mai Khôi Phục Sản Xuất Thị Xã Hoàng Mai Khôi Phục Sản Xuất

Sau cơn bão số 10, ngân sách tỉnh đã cấp ban đầu cho TX. Hoàng Mai gần 13,7 tỷ đồng. Đến nay, thị xã đã phân bổ về các phường, xã để kịp thời hỗ trợ người dân. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy, hải sản đối với vùng gặp thiên tai, dịch bệnh đã phần nào giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn.

22/03/2014
Giải Pháp Cho Ngô Đông Chín Muộn? Giải Pháp Cho Ngô Đông Chín Muộn?

Đối với bà con nông dân, ngô vụ đông góp phần làm dồi dào thêm nguồn nông sản để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, ngô vụ đông chín muộn, năng suất, sản lượng thấp đang khiến người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn...

22/03/2014
Bệnh Loét Hại Cây Có Múi Và Biện Pháp Phòng Trừ Bệnh Loét Hại Cây Có Múi Và Biện Pháp Phòng Trừ

Bệnh loét phá hại cây ăn quả thường làm rụng quả và lá, cây cằn cỗi chóng tàn. Ở vườn ươm, khi bị bệnh nặng cây con dễ chết, quả bị bệnh phẩm chất kém không thể xuất khẩu và cất trữ được. Ở nước ta, bệnh phá hại phổ biến tại tất cả các vùng trồng cây ăn quả có múi gây thiệt hại đáng kể cho người trồng, làm ảnh hưởng lớn tới nguồn hàng xuất khẩu.

22/03/2014
Kỹ Thuật Nuôi Cá Còm Trong Ao Đất Kỹ Thuật Nuôi Cá Còm Trong Ao Đất

Cá còm hay còn gọi là cá nàng hai, đây là loài cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng Nam Bộ. Mùa sinh sản của cá còm trong tự nhiên từ tháng 5 – 7, cá giống có từ tháng 8 và kéo dài đến cuối năm.

22/03/2014