Diện Tích Trồng Vú Sữa Tím Đại Tâm Đang Dần Bị Thu Hẹp

Sóc Trăng là vùng đất thích hợp với nhiều giống cây ăn trái nổi tiếng như bưởi Năm Roi Kế Thành, cam sành Ba Trinh, nhãn tím Phong Nẫm.
Còn vú sữa được trồng nhiều ở Kế Sách và Mỹ Xuyên. Theo nhiều lão nông, vú sữa tím được trồng đầu tiên là ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, nhưng các vườn vú sữa này đang dần suy kiệt và bà con ở đây không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa.
Cây vú sữa thường cho thu hoạch sớm vào giữa tháng 11 âm lịch, kéo dài đến Tết nguyên đán, nên hiện tại đang là mùa vú sữa ra hoa đậu trái. Ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên từ lâu nổi tiếng với loại vú sữa tím vì có vị ngọt thanh, hạt nhỏ, vỏ mỏng, khi chín vỏ trái màu tím than, căng mọng rất đẹp mắt.
Bà con cho biết, khoảng 10 năm trước, hầu hết các hộ ở Đại Tâm đều có trồng vú sữa trong vườn nhà, hộ ít nhất cũng vài gốc, có hộ vườn vú sữa rộng đến vài hacta. Nhưng hiện nay thì chỉ còn vài hộ trồng vú sữa, nếu có trồng thì cũng không chăm sóc nhiều và khi cây suy kiệt thì không trồng mới.
Khi được hỏi về nguyên nhân, người dân ở đây cho biết, trồng vú sữa khoảng 3 - 4 năm mới cho trái, một năm cho trái một lần.
Vài năm gần đây, cây bị sâu bệnh nhiều, nhiều loại vú sữa lai ghép xuất hiện dần cạnh tranh với vú sữa được trồng bằng hạt; Thêm vào đó là những cây suy kiệt không được nông dân chăm sóc - trồng mới nên diện tích vú sữa tím bị thu hẹp, năng suất và chất lượng trái giảm, nên thu nhập không bao nhiêu.
Như hộ chị Thạch Thị Thu Thảo ở ấp Tâm Thọ, xã Đại Tâm, nhà có hơn 4 công đất, 5 gốc vú sữa chiếm diện tích chừng một công, mỗi năm thu hoạch nhiều nhất khoảng 400 kg trái, giá bán từ 7 ngàn đến 15 ngàn/kg, thu về chỉ được 6 triệu đồng. Trong khi đó trên các diện tích còn lại, với một công đất trồng rau màu quanh năm cũng thu về từ 30 – 40 triệu đồng.
Chị cho biết “Bây giờ vú sữa bị bệnh nhiều quá, một năm chỉ cho thu hoạch một lần, cây cao rồi không có xịt thuốc gì được nên sâu bệnh rất nhiều, giá bán cao thì 15 ngàn, có khi xuống còn 7 – 8 ngàn đồng/kg không chừng. So với trồng màu hiệu quả kém hơn rất nhiều”.
Xã Đại Tâm hiện có gần 2.500 ha đất trồng trọt, trong đó chỉ có vài chục ha trồng cây ăn trái, hầu hết bà con chuyển sang canh tác lúa hoặc rau màu. Tuy nhiều nông dân ở đây có kinh nghiệm trồng vú sữa, xã lại có tuyến quốc lộ đi qua rất dễ giao thương buôn bán, nhưng xét về giá trị kinh tế thì vú sữa không bằng các loại cây trồng khác.
Trên một diện tích, nếu nhà nông trồng lúa, màu, hoặc áp dụng các mô hình chăn nuôi, sẽ cho thu nhập thường xuyên và ổn định hơn vú sữa rất nhiều. Ông Ngô Quang Thế - Phó chủ tịch UBND xã Đại Tâm cho biết, xã tập trung khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả về kinh tế, riêng vú sữa tím rất khó để duy trì ổn định diện tích:
Trong giai đoạn Sóc Trăng đang quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh, xã Đại Tâm nói riêng và huyện Mỹ Xuyên nói chung được đánh giá là có thế mạnh nhiều nhất về trồng lúa, rau màu, nuôi thủy sản và chăn nuôi bò sữa.
Trong lúc này, huyện Kế Sách đang có nền tảng rất tốt để phát triển mô hình trồng chuyên canh cây ăn trái, trong đó có hơn 1.500 ha trồng vú sữa. Như vậy, các diện tích trồng vú sữa ở Đại Tâm bị thu hẹp để thay thế cho các mô hình tiềm năng khác là điều hợp lý và sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết: Tháng 1.2015, mô hình “Nuôi hàu thương phẩm” sẽ được triển khai nuôi tại khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại. Hai đối tượng nuôi được chọn nuôi tại mô hình lần này là hàu muỗng và hàu Thái Bình Dương.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chín tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 2,8 triệu tấn, tăng 140 nghìn tấn so cùng kỳ năm 2013, trong đó có một triệu tấn thu được từ khai thác và 1,8 triệu tấn do nuôi trồng, tổng giá trị 34.500 tỷ đồng.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN-PTNT), vụ cá Nam năm nay (từ tháng 4 đến tháng 9) tuy không phải là vụ khai thác chính trong năm nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trong tỉnh Bình Định đã khai thác hải sản đạt sản lượng khá cao.

Theo một số thương lái thu mua cá chình, cá bống tượng trên địa bàn huyện Cái Nước, nguyên nhân giá cá trên thị trường lúc tăng lúc giảm là do diện tích thả nuôi không ổn định. Khi cá tăng giá nông dân ồ ạt thả nuôi dẫn đến cung vượt cầu, còn khi nguồn cung khan hiếm hoặc ổn định thì giá mua sẽ tang.

Nơi đây được nhiều người biết đến khi hơn 50 hộ dân trong thôn lần đầu tiên có điện vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sau 25 năm sống trong cảnh đèn dầu. Thế nhưng, ít ai biết rằng Kinh tế 2 là thôn đi đầu trong việc nuôi bò lai cũng như lai tạo đàn bò của xã Ea Trol nói riêng và huyện Sông Hinh nói chung.