Điện Quá Tải, Người Nuôi Tôm… Làm Liều

Những tháng cuối năm 2013 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao đã kích thích bà con nông dân ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp.
Từ đó xảy ra tình trạng điện quá tải, người nuôi tôm “làm liều” tự ý dùng keo dán sắt đổ vào cầu dao, mục đích không cho cầu dao tự động ngắt điện khi quá tải. Việc làm trên dẫn đến hư hỏng máy biến thế và làm thiệt hại cho ngành điện hàng chục triệu đồng.
Nếu như năm 2013, diện tích tôm nuôi công nghiệp ở xã Tân Hưng Đông chỉ có trên dưới 40 ha, chủ yếu tập trung ở ấp Láng Tượng thì đến thời điểm này đã phát triển lên trên 120 ha, ở hầu hết các ấp trên địa bàn xã. Hiện nay, bà con vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích nuôi tôm công nghiệp. Chính vì việc nuôi tôm ồ ạt, không theo quy hoạch làm cho lưới điện luôn trong tình trạng quá tải.
Để tiết kiệm chi phí sản xuất trong nuôi tôm công nghiệp, hầu hết người dân chọn phương án dùng điện thắp sáng để chạy quạt tạo ô-xy cho tôm nuôi thay vì phải đầu tư vốn để hạ thế. Từ đó, làm cho lưới điện ở nông thôn luôn nằm trong tình trạng quá tải, cầu cao tại các trạm biến áp thường xuyên phải ngắt điện. Khi điện bị ngắt, gây thiếu điện cho cả người nuôi tôm lẫn điện sinh hoạt.
Ông Trần Phương Yêm, ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Đông, bức xúc: Kể từ khi mô hình nuôi tôm công nghiệp mở rộng, điện thắp sáng nơi đây rất yếu và cầu dao của trạm biến áp liên tục tự động ngắt điện. Mỗi ngày có đến hàng chục lần, thời gian chủ yếu từ 18 giờ cho đến sáng hôm sau.
Mỗi lần ngắt điện, người dân phải đến trạm biến áp kéo cầu dao lên. Tình trạng này diễn ra liên tục hằng ngày nên người dân nơi đây đã “làm liều”, dùng keo dán sắt đổ vào cầu dao với mục đích không cho cầu dao tự động ngắt điện khi quá tải.
Việc làm trên đã gây hư máy biến thế dẫn đến mất điện trên diện rộng trong nhiều ngày. Sau khi sự cố xảy ra, Điện lực Cái Nước tiến hành khắc phục để cung cấp điện cho người dân sử dụng, nhưng sau đó, người dân lại tiếp tục đổ keo dán sắt lần thứ hai. Rất may ngành điện phát hiện kịp thời và cắt điện để bảo vệ an toàn cho lưới điện cũng như máy biến thế.
Chỉ chưa đầy một tuần, tại Trạm biến áp Lung Gộc thuộc ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Đông có đến 2 lần bị người dân đổ keo dán sắt vào cầu dao, làm thiệt hại cho ngành điện hàng chục triệu đồng.
Đề cập đến hành vi tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao, ông Nguyễn Bá Tại, Phó Giám đốc Điện lực Cái Nước, cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã có công văn gởi UBND xã Tân Hưng Đông, báo có tình trạng nêu trên và phối hợp với Công an xã điều tra để xử lý.
Ông Lê Kha Nưa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, bày tỏ: Mặc dù xã đã chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể và trưởng ban Nhân dân các ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, nhưng ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, đã tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao gây thiệt hại cho ngành điện. Hiện UBND xã Tân Hưng Đông chỉ đạo cho công an vào cuộc điều tra làm rõ và sẽ xử lý đúng theo quy định pháp luật, nhằm giáo dục, răn đe về ý thức sử dụng điện an toàn đối với người dân trên địa bàn.
Hành vi tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao của người dân ấp Hoàng Lân không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây thiệt hại cho ngành điện và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn điện. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và sử dụng điện một cách an toàn, không nên “làm liều”, tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao làm hư hỏng thiết bị điện.
Bên cạnh đó, ngành điện và các ngành có liên quan cũng nên xem xét tìm phương án hữu hiệu giúp người dân có được nguồn điện ổn định để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay ở An Giang, phong trào nuôi cá heo nước ngọt trong bè, nhiều nhất là ở đầu nguồn huyện An Phú nơi tiếp giáp với biên giới Campuchia. Năm 2010 tại đây chỉ có khoảng 10 hộ nuôi cá heo trong bè, nay đã có hơn 50 hộ và nhiều hộ nơi đây đã trở nên khá, giàu với việc nuôi loại cá này.

Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.

Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.