Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điểm Tựa Cho Hộ Nghèo

Điểm Tựa Cho Hộ Nghèo
Ngày đăng: 26/08/2014

Từ năm 2003 đến nay, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Vị Thủy, hàng ngàn hộ nghèo ở địa phương có điều kiện đầu tư sản xuất, từng bước cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Trong những năm qua, NHCSXH huyện Vị Thủy đã không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt công tác giải ngân các nguồn vốn, nhất là quan tâm, tạo điều kiện triển khai chương trình cho vay vốn ưu đãi trực tiếp tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó, đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc NHCSXH huyện Vị Thủy, cho biết: Nhờ phối hợp các ban, ngành, hội, đoàn thể, từ năm 2003 đến nay, thông qua hình thức ủy thác vốn vay mà các tổ, hội đã giải quyết cho hàng chục ngàn hộ vay. Nhờ nguồn này, đến nay đã giúp cho 5.728 hộ thoát nghèo, 2.659 hộ cải thiện được đời sống, phát triển kinh tế, 895 hộ chuyển biến về cách thức làm ăn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Đến thời điểm này, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Vị Thủy gần 208,5 tỉ đồng, với hơn 14.000 khách hàng. Trong đó, nguồn vốn cho vay hộ nghèo gần 71 tỉ đồng.

Nguồn vốn vay thông qua NHCSXH đã góp phần giúp cho các hộ nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo. Anh Đỗ Văn Hồng Em, ở ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy là một trong những hộ nghèo của xã. Trước đây, gia đình anh trồng mít Thái siêu sớm, nhưng thu nhập không ổn định do giá mít thường biến động, thời gian sinh lợi ngắn, kinh tế không cao.

Sau khi được người quen hướng dẫn, anh quyết định chọn hồ tiêu về trồng vì thời gian sinh trưởng dài, chi phí đầu tư thấp. Với nguồn vốn vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện, anh mạnh dạn mua giống về trồng thử nghiệm 160 nọc hồ tiêu trên rẫy của gia đình. Anh Hồng Em cho biết: “Không như những cây trồng khác, ưu điểm của hồ tiêu là có thể “ăn” đến 20 năm mà nhẹ chi phí, chỉ phải tốn công chăm sóc trong 2 năm đầu.

Gia đình vừa mới thu hoạch đợt trái đầu, năng suất đạt 0,5kg/nọc, với giá trung bình 180.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Hiện, rẫy tiêu đang ra bông, theo dự kiến, đầu tháng 1 âm lịch tới, năng suất sẽ đạt 1,5kg/nọc”.

Theo anh Hồng Em, do hồ tiêu chỉ mới cho trái nên thu hoạch chưa ổn định, nhưng khi cây trưởng thành sẽ thu hoạch theo chu kỳ. Hiện, gia đình đã tiến hành mở rộng để trồng thêm 44 nọc hồ tiêu. Với thu nhập ổn định như hiện nay thì không lâu nữa, gia đình anh sẽ vươn lên thoát nghèo.

Còn anh Nguyễn Quang Sang, ở ấp 12, xã Vị Thắng, cho biết: “Do thu nhập từ lúa khá bấp bênh, nên từ nguồn vốn của NHCSXH huyện, gia đình đã tận dụng để phát triển kinh tế.

Thay vì trồng 3 vụ lúa/năm, thì chuyển sang trồng 1 vụ và xen canh ấu. Với 6 công ấu, năng suất trung bình 1,5 tấn/công, giá bán 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận gần 10 triệu đồng/công, cao gấp 3 lần so với vụ Đông xuân vừa qua”.

Theo anh Sang, lợi thế của ấu là dễ trồng, thời gian thu hoạch kéo dài, năng suất cao, chi phí đầu tư thấp. Sau 3 tháng trồng là tiến hành hái trái đợt đầu và có thể thu hoạch liên tục kéo dài thêm 3 tháng mới kết thúc.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc NHCSXH huyện Vị Thủy, cho biết: Khi mới thành lập chỉ có 2 chương trình tín dụng, nhưng sau gần 12 năm thì đã nâng lên 13 chương trình tín dụng ưu đãi và được đông đảo nhân dân, đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ, nhất là các hộ nghèo và gia đình chính sách, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Qua đó, đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, chính sách mua được trâu bò, heo sinh sản và heo thịt, các loại gia cầm, trồng mới cây ăn trái các loại,…

Ngoài ra, nguồn vốn vay còn được đầu tư vào dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Đã có hơn 9.791 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, từ đó góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Đã có giải pháp kiểm soát bệnh sâu đục trái trên cây bưởi Đã có giải pháp kiểm soát bệnh sâu đục trái trên cây bưởi

Trạm Bảo vệ thực vật Tân Thành (Bà Rịa Vũng Tàu) đã thực hiện mô hình “Phòng trừ sâu đục trái bưởi bằng biện pháp bao trái” tại HTX bưởi da xanh Sông Xoài. Khi sử dụng biện pháp bao trái 30 - 45 ngày sau đậu trái thì hạn chế được những đối tượng gây hại, đồng thời làm tăng số trái loại 1 và loại 2, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.

21/04/2015
Sầu riêng vào vụ, giá giảm mạnh Sầu riêng vào vụ, giá giảm mạnh

Theo ghi nhận tại xã chuyên canh Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), sầu riêng đang vào vụ có giá giảm mạnh gần 40% so với mùa sầu riêng năm vừa qua. Nếu giá sầu riêng vào đầu vụ khá cao (70.000 - 80.000 đồng/kg) thì hiện nay giá thương lái thu mua chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg đối với loại I và khoảng 25.000 - 30.000 đồng đối với loại II.

21/04/2015
Bảo Thắng (Lào Cai) sẽ có 750 ha cây ăn quả Bảo Thắng (Lào Cai) sẽ có 750 ha cây ăn quả

Dự án thành công sẽ góp phần tạo việc làm và ổn định đời sống cho trên 10.000 lao động địa phương.

21/04/2015
Dưa hấu ế vì thông tin thị trường mù mờ! Dưa hấu ế vì thông tin thị trường mù mờ!

Thông tin trong thời đại hiện nay không thể nói là khan hiếm và khó cập nhật. Nhưng sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đều có tính thời vụ nhiều nên việc cập nhập không kịp thời khiến người sản xuất không nắm được tín hiệu của thị trường để chủ động điều tiết. Doanh nghiệp được trông đợi là người chắp mối giữa thị trường và sản xuất.

21/04/2015
Mô hình vườn dừa xiêm xanh hiệu quả Mô hình vườn dừa xiêm xanh hiệu quả

Xã Long Thới có diện tích trồng dừa lớn nhất huyện Chợ Lách (Bến Tre), với 257ha trồng dừa, chiếm khoảng 25%. Cây dừa gắn bó với nông dân ở đây khá lâu, hầu hết đều có độ tuổi vài chục năm.

21/04/2015