Điểm sáng trong chăn nuôi gà thịt theo chuỗi giá trị

Câu lạc bộ (CLB) hoạt động trên cơ sở tự nguyện; thống nhất quan điểm; quy chế, quy định của CLB do các thành viên cùng xây dựng, biểu quyết đồng ý và cam kết thực hiện.
Tham gia CLB có 23 hộ chăn nuôi.
Mỗi hộ tham gia cam kết nuôi gà với quy mô từ 1.000 - 10.000 con/lứa.
Giống gà được CLB lựa chọn để nuôi là các giống gà ta chọn lọc, bao gồm: Gà Cao Khanh (Bình Định), gà Phùng Dầu Sơn (Khánh Hòa), gà Lượng Huệ (TP Hải Phòng).
Ngoài các giống trên, hiện nay nhóm cũng đang nuôi thử nghiệm giống gà ri Hòa Bình...
Ưu điểm của các giống gà trên là có chân nhỏ, vàng; lông màu vàng tía; mào cờ; chất lượng thịt thơm ngon, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Hình thức nuôi được áp dụng là nuôi trang trại tập trung có sân chơi an toàn sinh học.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi, gà được nghe nhạc với thời gian 5 - 6h/ngày, sau khoảng 30 ngày tuổi, gà được tách nuôi riêng trống - mái.
Đây là những điểm khác biệt so với phương pháp, quy trình nuôi gà truyền thống.
Sau gần 1 năm thực hiện, đến nay CLB đã có hàng vạn con gà được xuất bán, trong đó hộ nuôi ít nhất là 1.000 con/lứa, số lứa nuôi của các hộ đều đạt 3 lứa/năm.
Những hộ có quy mô lớn như: Trương Ngọc Linh; Lê Thiện Hồng; Nguyễn Thành Chung đều nuôi 18.000 con/hộ/năm.
Về kết quả tăng trọng: bình quân sau 120 ngày nuôi, trọng lượng gà đạt trung bình 1,8 - 2 kg/con.
Tỷ lệ sống của toàn tổng đàn đạt trên 93%, trong đó có những hộ đạt đến 99% (tùy lứa).
Đến tháng 9-2015, gia đình anh Mạnh (chủ nhiệm CLB - nuôi 27.000 con/năm) đã xuất bán 2 lứa với 18.000 con, trừ chi phí thu lãi hơn 290 triệu đồng; dự kiến tổng thu nhập năm 2015 có thể lên đến khoảng 500 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở mặt hàng gà thịt truyền thống mà hiện nay CLB còn mở rộng sang chăn nuôi theo các đơn hàng.
Theo đánh giá của các thành viên trong CLB, yếu tố quyết định sự thành công chính là cách tổ chức và thực hiện tốt các phương thức tổ chức hoạt động của nhóm, bao gồm:
Mua gà giống: Việc tổ chức mua gà giống được trưởng nhóm và các thành viên bàn bạc; các thành viên vào CLB nuôi gà phải có sự điều phối của nhóm, gà vào luân phiên giữa các hộ cách nhau từ 3 ngày – 10 ngày để bảo đảm lúc nào cũng có gà xuất bán ra thị trường, để tránh bị thương lái ép giá.
Mua thức ăn: Với nhận thức thức ăn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả và hiệu quả trong chăn nuôi, các thành viên luôn bàn bạc và cùng thống nhất trong việc lựa chọn thức ăn nên chất lượng luôn bảo đảm.
Đặc biệt, với phương thức mua hàng trực tiếp từ công ty sản xuất nên giá thành luôn hạ so với các hộ mua nhỏ lẻ từ 300 – 500 đồng/kg, điều này đã góp phần làm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả chăn nuôi.
Vắc-xin, thuốc thú y và dụng cụ thú y: Các thành viên trong nhóm đóng tiền mua 1 tủ bảo ôn bảo quản vắc-xin, 1 tủ kính đựng thuốc thú y, 2 máy cắt mỏ, thuốc thú y và một số dụng cụ thú y khác với trị giá trên 20 triệu đồng.
Giá thuốc được công khai từng loại ngay tại tủ; hộ chăn nuôi được bác sĩ thú y hướng dẫn dùng thuốc gì thì đến lấy; tự tính tiền và nộp lại trưởng nhóm để lấy thuốc bù lại đúng số lượng.
Hoạt động hỗ trợ: Các thành viên trong nhóm hỗ trợ nhau công lao động kỹ thuật bao gồm: Vào gà; ra gà; làm vắc-xin, cắt mỏ cho gà...
là những thời điểm cần nhiều lao động có kỹ thuật, có tay nghề...
Hoạt động này do trưởng nhóm điều hành tùy theo số lượng gà của từng hộ và yêu cầu nhân công.
Định kỳ mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt nhóm 1 lần để đánh giá hoạt động và lên kế hoạch, phương án hoạt động cho kỳ tới.
Tiêu thụ sản phẩm: Với phương châm sản xuất và cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, lấy chất lượng làm uy tín, kết hợp với việc luôn chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường nên việc tiêu thụ gà của CLB là tương đối thuận lợi.
Hiện tại có các thương nhân ở các chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, TP Hà Nội); chợ Điện Biên (TP Thanh Hóa) và các chợ khác tại TP Hải Phòng, tỉnh Phú Thọ...
đến tận nơi thu mua.
Có thể bạn quan tâm

Thủy sản được đánh giá là một trong những lợi thế góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nguồn lợi này thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ, dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi thủy sản cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trung tuần tháng 4, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Định triển khai thực hiện mô hình nuôi gà ri lai Đabacô theo hướng nông hộ có kiểm soát tại xã Yên Lâm.

Nói đến con trâu, bò người ta thường nghĩ ngay đến mục đích sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trâu, bò ở xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) còn có một tên gọi khác đó là “con xoá đói giảm nghèo bền vững”.

Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 và có hiệu lực từ 25/8/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Cơ sở của Panasonic có khả năng sản xuất 3,6 tấn lương thực hàng năm với 10 loại rau quả. Trang trại trong nhà cũng là mảng kinh doanh ưa thích của nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản. Fujitsu đang trồng rau diếp tại các nhà máy ở Fukushima, trong khi Sharp trồng dâu tại Dubai.