Dịch Vụ Cung Cấp Lao Động Nông Nghiệp Đắt Hàng

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.
Từ thực tế đó, nhiều tổ, nhóm lao động được hình thành ở nông thôn, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ lao động trọn gói.
* Thiếu lao động nông nghiệp
Ông Trần Đức Hùng, nông dân trồng mía ở xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho biết: “Người trồng mía lo lắng nhất là vào vụ thu hoạch, cần tìm đến cả trăm lao động làm việc tập trung trong một thời gian ngắn. Huy động được một lượng lớn nhân công ở một địa phương mà các khu công nghiệp đang hút hết lao động là điều không dễ dàng.
Tình trạng chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi nhờ người tìm lao động từ nơi khác đến, thậm chí “vơ bèo, vạt tép”, chấp nhận cả những lao động không có tay nghề, không đủ sức khỏe vào làm đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện”.
Anh Ngô Phước Hải, nông dân trồng tiêu tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), cho hay: “Giờ người trẻ đều đi làm công nhân, làm nông chủ yếu là lao động lớn tuổi. Đặc thù của lao động nông nghiệp thường chỉ cần lao động mùa vụ chứ không có việc làm ổn định quanh năm, nên dù tiền công trả gần 200 ngàn đồng/ngày nhưng không phải lúc nào chúng tôi cần đều tìm được”.
Nắm bắt được nhu cầu này, tại một số nơi, dịch vụ cung cấp máy móc và dịch vụ lao động nông nghiệp đang manh nha hình thành. Theo anh Trần Thanh Bình, chủ lò sấy lúa tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu): “Từ thực tế ngày càng khan hiếm lao động nông nghiệp tại địa phương, tôi quyết định mua máy gặt đập liên hợp về gặt lúa cho bà con.
Từ nhu cầu thị trường, tôi mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, liên kết với một tổ lao động chuyên về bốc vác và nhận cung cấp dịch vụ lao động nông nghiệp trọn gói cho bà con. Giờ nông dân chỉ cần gọi điện thuê dịch vụ và chờ có sản phẩm lúa khô được cất vào kho”.
* Làm dịch vụ chuyên nghiệp
Anh Nguyễn Hữu Có, cán bộ nông nghiệp của huyện Nhơn Trạch, nhận xét dịch vụ cung cấp lao động nông nghiệp ngày càng chuyên nghiệp. Họ không làm việc đơn lẻ mà hình thành các đội, nhóm, như: đội chuyên chặt mía, chuyên nhổ mì, chuyên làm lúa...
Những đội này có thể là người dân tại địa phương tập trung lại hoặc nhóm đồng hương từ nơi khác đến. Nhờ tổ chức thành nhóm, làm việc chuyên nghiệp nên họ có việc làm ổn định quanh năm vì nông dân tin tưởng thuê dịch vụ này ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Tấn Phước, nông dân trồng bưởi tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Trong tay tôi luôn có số điện thoại của vài nhóm lao động chuyên nghiệp, khi cần có thể tập hợp được hàng chục lao động làm việc cùng lúc. Làm cỏ, bỏ phân, thêm đất cho gốc bưởi thì gọi nhóm nào cũng được, riêng các công đoạn cắt cành, tỉa lá thì tôi thường gọi đội chuyên chăm sóc vườn bưởi từ Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) qua. Tôi sẵn sàng trả công cao hơn vì những nhóm lao động này rất thạo nghề, mình hoàn toàn yên tâm giao vườn cho họ chứ không phải theo sát như trước đây”.
Ông Lương Văn Nghĩa, đại diện nhóm lao động tại xã Tân Bình, chia sẻ nhóm này hình thành được 10 năm nay, chủ yếu là anh em trong xóm tập trung lại. Mọi người đều có vườn bưởi nên rất rành công việc làm vườn. Trong nhóm cũng chia ra từng lĩnh vực, người rành về lắp hệ thống tưới tự động, người thạo cắt cành, tỉa lá… “Ai kêu gì chúng tôi cũng làm, từ đào mương, làm cỏ đến trồng cây... Nhu cầu thuê lao động giờ rất lớn nên nhóm có việc làm ổn định quanh năm, địa bàn làm việc không chỉ thu hẹp tại địa phương mà mở rộng ra các xã, phường ở TP.Biên Hòa” - ông Nghĩa nói.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201411/dich-vu-cung-cap-lao-dong-nong-nghiep-dat-hang-2352083/
Có thể bạn quan tâm

Trồng rừng khá chuyên nghiệp nên gia đình ông Huỳnh Thanh Nghĩa, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đã vươn lên làm giàu.
Huyện Tuần Giáo có 211ha mặt nước để nuôi thủy sản, với sản lượng cá hàng năm đạt trên 232 tấn; tập trung ở các xã: Mường Mùn, Mùn Chung, Quài Tở, Quài Cang, Chiềng Sinh, Chiềng Đông. Nhờ đầu tư các mô hình nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo. Tuy nhiên, hàng năm bước vào mùa mưa gây khó khăn không nhỏ cho các hộ nuôi thủy sản do nước ngập hoặc sau lũ xuất hiện dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất thủy sản.
Vụ mùa năm nay, toàn xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) gieo cấy 69ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa địa phương và Nhị ưu 838. Từ đầu tháng 6, nông dân xã Quảng Lâm đồng loạt ra đồng nạo vét kênh mương, cày ải đất, chuẩn bị thóc giống để gieo mạ sau đó đợi mưa xuống, có nước mới tiến hành gieo, cấy. Thời điểm này, khoảng 90% diện tích đã được cày ải xong. Sau mấy trận mưa giông đầu mùa, lượng nước dồi dào, bà con tập trung dẫn nước vào ruộng bắt đầu gieo, cấy.

Tại TP Cần Thơ, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị "Đánh giá Công tác Giống vật nuôi tại các tỉnh ĐBSCL". Nhiều đại biểu khẳng định, không thể "bỏ quên", thậm chí phải hết sức quan tâm đến công tác giống vật nuôi trong bối cảnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang triển khai tích cực. Xuất phát từ thực tế đó, những vấn đề liên quan, đặc biệt là những "mảng tối" trong công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý giống vật nuôi ở ĐBSCL đã được đưa ra bàn thảo.

Hiện nay, trên thị trường có khoảng từ 50 - 60 Cty sản xuất các sản phẩm bổ sung là có đăng ký sản xuất, còn những Cty "lôm côm" thì nhiều vô kể.