Dịch Lở Mồm Long Móng Diễn Biến Phức Tạp

Các cơ quan chức năng Quảng Trị đang nỗ lực phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một số xã ở huyện Gio Linh.
Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn huyện Gio Linh đã xuất hiện thêm 43 con trâu, bò nhiễm bệnh, nâng tổng số gia súc bị nhiễm bệnh đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh là 278 con.
Dịch bệnh xuất hiện tại các địa phương thuộc các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà.
Nơi xảy ra ổ dịch mới tại huyện Gio Linh là vùng rừng núi, vùng đồng bào dân tộc với phương thức canh tác thả rông trâu, bò bừa bãi khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.
Trước đó, vào ngày 23/10, UBND tỉnh Quảng Trị đã công bố dịch lở mồm long móng gia súc tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.
Ngay sau khi phát hiện, các ngành chức năng và địa phương đã tập trung bao vây, khống chế dịch. Ngày 29/10, UBND tỉnh Quảng Trị đã trích dự phòng ngân sách tỉnh năm 2013 gần 584 triệu đồng cấp cho Chi cục Thú y tỉnh để triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc đang xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thú y đã tiêm phòng 15.000 liều vaccine, 6 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và nhà ở, 100 lít xanh methylen về pha khử trùng cho trâu bò bị bệnh điều trị tại các ổ dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ cấp 2.000 liều vaccine cho Quảng Trị để tiêm phòng cho số trâu bò còn lại.
Có thể bạn quan tâm

Superworm là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi và có nguy cơ gây hại đến SX nông nghiệp... Việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Superworm là vi phạm pháp luật (theo điều 7 Pháp lệnh Bảo vệ & kiểm dịch thực vật).

Sau 9 tháng, 2.000 con cá trắm đen nuôi, trên diện tích 5.000m2 của ông Đức Văn Khiêm (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã cho lãi 227 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với nuôi cá nước ngọt truyền thống. Đây là mô hình điểm nuôi cá trắm đen thương phẩm tại vùng chuyển đổi nuôi cá của xã, cần được nhân rộng.

Hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch mận cơm ở Lạng Sơn. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên mận cơm được mùa, giá bán cao hơn từ 3.000 – 5.000đ/kg so với năm ngoái.

Đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển tại Khánh Hòa” vừa được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá đã mở ra triển vọng về một loại đối tượng nuôi mới.

Thời điểm hiện nay, người dân trồng bí xanh sớm ở tỉnh Lạng Sơn đang bước vào đầu vụ thu hoạch với niềm vui được mùa, giá cao.