Dịch Bệnh Trên Lúa Hè Thu Đang Diễn Biến Phức Tạp

Đến nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong tỉnh Long An đã gieo sạ trên 177.300ha lúa Hè Thu. Hiện nay, dịch bệnh trên lúa đang diễn biến phức tạp, nhất là bệnh rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ,... tập trung chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh. Ngoài ra, còn có bệnh lem lép hạt, ốc bươu vàng, ngộ độc hữu cơ, rầy cánh phấn, sâu đục thân, chuột, sâu năng, ngộ độc phèn, bệnh cháy bìa lá,... phát sinh ở mức độ nhẹ và trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Minh Sơn cho biết: Đến nay, toàn huyện đã gieo sạ được 28.500ha, chủ yếu là giống OM 4900, OM 6976, OM 7347, VĐ 20, Nàng hoa 9,...
Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa lớn nên có khoảng 215ha lúa Hè Thu mới gieo sạ bị thiệt hại phải sạ lại, tập trung ở các xã: Hưng Điền A, Vĩnh Bình, Vĩnh Thuận, Vĩnh Trị và Tuyên Bình. Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện và theo dõi tình hình dịch bệnh để có cách phòng, trị bệnh đúng nhất, hiệu quả nhất.
Theo Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài, đến nay, toàn huyện gieo sạ dứt điểm trên 38.000ha lúa Hè Thu, trong đó, có 17ha đã thu hoạch. Từ đầu vụ, đã xuất hiện bệnh vàng lùn trên 90ha (xã Hưng Điền, Hưng Điền B), do nông dân gieo sạ ngoài lịch thời vụ, trong đó, có 18ha bị nhiễm trên 30%, nông dân tiến hành tiêu hủy và gieo sạ lại.
Anh Nguyễn Trọng Hữu, ở ấp Hưng Trung, xã Hưng Thạnh, huyện Vĩnh Hưng sản xuất 10ha lúa Hè Thu liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang chia sẻ: Hiện tình hình dịch bệnh trên cây lúa cũng khá phức tạp, chủ yếu là các bệnh: Rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá,...
Bởi một số hộ nông dân không hiểu rõ được tình hình diễn biến của dịch bệnh nên có những cách phòng trị bệnh không hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất lúa. Hiện tại, cánh đồng lúa của gia đình anh đang trong giai đoạn phát triển tốt, do vừa qua, anh được cán bộ Khuyến nông, bộ phận kỹ thuật của công ty hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên lúa.
Sở NN&PTNT dự báo trong tuần tới, sâu bệnh trên lúa sẽ phát triển mạnh. Cụ thể, rầy nâu, sâu cuốn lá ở tuổi 5 đến trưởng thành. Bệnh đạo ôn lá sẽ gia tăng diện tích nhiễm và tỷ lệ bệnh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng. Ốc bươu vàng xuất hiện nhiều trên ruộng mới gieo sạ ngập nước do mưa lớn.
Sâu đục thân, sâu phao, sâu năng, bọ trĩ, ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn,... phát sinh trên lúa Hè Thu giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Bệnh khô vằn, khô cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá,... phát sinh trên lúa đòng trổ - chín. Vì vậy, nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh trên lúa và phòng trừ hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Chị Đinh Thị Hằng, một trong những hộ tình nguyện tham gia thực hiện mô hình trình diễn giống rau củ cải Song Jeong - Hàn Quốc cho biết: Thực hiện đúng theo kiến thức được tập huấn, hướng dẫn, chị đã nghiêm túc đúng quy trình sản xuất từ gieo trồng đến khâu chăm sóc cải củ.

Tính đến nay, trung tâm đã hỗ trợ 1.650 đĩa nấm và trên 5.600 bịch thành phẩm nấm xanh cho nông dân các huyện Vị Thủy, Long Mỹ và Phụng Hiệp, đạt 82,5% kế hoạch cấy. Với mô hình này, đã quản lý được hơn 1.120ha lúa để phòng trừ rầy nâu ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, giúp nông dân nắm kỹ thuật sản xuất, cũng như sử dụng nấm xanh để quản lý dịch hại trên lúa.

Bệnh tập trung gây hại trên mía đẻ nhánh, vươn lóng. Bệnh trắng lá mía chưa có thuốc đặc trị, biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh. Do vậy, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo nông dân: Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc cây bị bệnh để hạn chế lây lan.

Không ít nông sản đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bán với giá cả như sản xuất thường là một thực tế diễn ra tại rất nhiều hợp tác xã hiện nay. Nhưng đằng sau câu chuyện đầu ra, nhiều chuyên gia nhận định “cái được trước mắt là qua những buổi tập huấn làm theo quy trình, ít nhiều nông dân nhận thức được thế nào là sản xuất an toàn”.

Những năm qua, nông dân Sóc Trăng đã sử dụng giống lúa thơm dòng ST, đặc biệt là lúa ST5 đưa vào sản xuất với diện tích cao, trong đó có nhiều cánh đồng lớn sử dụng giống này. Do dễ trồng, cho năng suất và giá trị cao nên nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng giống lúa được công nhận cấp Quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua giá bán đã giảm nhiều, thậm chí nông dân còn không bán được lúa nên đã có nhiều nông dân bỏ sản xuất giống cấp Quốc gia.