Đi Tìm Công Ty 3 Lần Xuất Khẩu Rau Bẩn

Chỉ đến khi EU phát hiện phía VN xuất khẩu 3 lô hàng rau gia vị bị nhiễm côn trùng của 1 DN và đòi "trừng phạt" thì dư luận mới sôi lên. Vậy DN đó thế nào?
Như NNVN ngày 9/10 đã thông tin trong bài: "Không có chuyện rau quả VN có nguy cơ cấm XK sang EU", trong đó, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, từ đầu năm đến nay chỉ có 3 lô hàng rau gia vị của VN gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng) và ngò gai xuất sang EU bị phát hiện nhiễm các loại côn trùng gây hại, đa số là nhiễm ruồi đục quả.
Theo quy định, nếu EU còn phát hiện thêm 2 lô hàng thuộc 5 loại rau gia vị nêu trên của VN tiếp tục nhiễm côn trùng thì sẽ cấm nhập khẩu vĩnh viễn 5 loại rau này vào EU. Điều đáng nói là, cả 3 lô hàng này đều của 1 DN là Cty TNHH MTV SX-TM Anh Nhân ở số 42/3E, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Tìm đến UBND xã Xuân Thới Thượng hỏi thăm, Chủ tịch xã Phan Hiếu Sơn do mới chuyển về công tác chưa nắm được nên đề nghị anh Hậu, cán bộ tài nguyên - môi trường của xã và ông Điền, Trưởng ấp 4 đi cùng chúng tôi đến trụ sở Cty.
Ông Trịnh Hợp, người trực tiếp quản lý từ lúc Cty Anh Nhân mới thành lập ở địa phương cho biết, Giám đốc là bà Nguyễn Thị Kiều Nga, ở trên thành phố thỉnh thoảng mới về kiểm tra. Bà Nga chủ yếu làm công việc giao dịch, mua bán đối ngoại. Hiện nay bà đang đi công tác Hàn Quốc nên ông Hợp "biết sao nói vậy".
Theo ông Hợp, trụ sở Cty rộng khoảng 3.000 m2 mua lại từ một xưởng cơ khí. Nơi đây vừa làm văn phòng đồng thời có nhà xưởng làm các công đoạn xử lý, đóng gói rau thơm (bao gồm các loại gia vị như húng quế, ngò gai, khổ qua...) trước khi xuất khẩu sang các nước EU, chủ yếu là Bắc Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển.
Mỗi khi có đơn hàng Cty mới làm, vào mùa lạnh bên Bắc Âu thì nhu cầu có tăng hơn. Bình quân mỗi tuần xuất khẩu chừng 1 tấn rau. Cty xuất khẩu bằng phương tiện máy bay vào sáng sớm nên có khi lao động phải làm khuya. Số lao động dao động từ 20-30 người.
"Vì XK sang nước ngoài phải đảm bảo vệ sinh ATTP nghiêm ngặt nên chúng tôi làm rất kỹ, rau thơm sau khi rửa nước sạch là được nhặt tỉa lá sâu bệnh tỉ mỉ theo đúng qui trình, rồi sủi ozone, sấy khô và đóng vào thùng xốp trọng lượng 5-10 kg/thùng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao có 1 lô bị dính nhiễm côn trùng", ông Hợp nói.
Tôi đặt vấn đề, rau thơm xuất khẩu được Cty thu mua của nông dân trong vùng hay tự SX bằng qui trình nhà lưới công nghệ cao như nhiều mô hình của các Cty kinh doanh rau quả khác đã và đang làm? Ông Hợp trả lời, Cty Anh Nhân có một vườn SX tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi rộng khoảng 20.000 m2 do ông Ký phụ trách.
"Nơi đó sau khi SX sẽ được chuyển về đây xử lý, đóng gói, sau đó đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất xuất khẩu". Ông Hợp xác định, văn phòng nhà xưởng Cty ở Hóc Môn là "đầu ra" xuất khẩu, còn nhà vườn ở Củ Chi là nguyên liệu "đầu vào".
"Nông dân địa phương chúng tôi có trồng rau thơm, húng quế, tía tô... với diện tích khoảng 5 ha. Có một số hộ nông dân bán rau thơm cho Cty Anh Nhân nhưng không thông qua Hội Nông dân nên không rõ thế nào" - bà Cao Thị Hòa, Chủ tịch HND xã Xuân Thới Thượng)
Chúng tôi tiếp tục đến xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi để xác minh vùng rau thơm "đầu vào" của Cty Anh Nhân. Điều bất ngờ là ông Nguyễn Văn Vàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định tại địa phương không có mô hình nhà vườn, nhà lưới nào trồng rau thơm xuất khẩu cả.
"Tại đây có 12 ấp và chi hội, tôi hỏi hết rồi không có ai SX rau thơm qui mô lớn. Chỉ có một nhà vườn ở ấp Cây Trắc rộng khoảng 10.000 m2 của một người ở trên thành phố mới thuê đất trong thời gian 10 năm (30 triệu/năm) để làm nhà lưới gồm 5 vòm nhưng không trồng rau thơm mà họ trồng dưa, khổ qua. Tại đây có khoảng 5-6 lao động thường trực nhưng họ cũng chỉ mới trồng từ đầu năm đến nay mà thôi", ông Vàng nói.
Theo hướng dẫn của ông Vàng, chúng tôi đến trực tiếp nhà vườn nói trên. Trong vai một người đi hỏi thăm thuê đất trồng rau xuất khẩu, tôi được một lao động tại đây cởi mở nói: "Ông chủ nhà vườn tên là Ký ở trên thành phố lâu lâu mới về. Ở đây trồng dưa lưới, dưa hoàng kim xuất khẩu, không có trồng rau thơm".
Để thông tin chính xác hơn, chúng tôi tra cứu trên trang web của Cty được ghi kèm trên bảng hiệu trụ sở tại Hóc Môn là www.anhnhan.com (thực chất là anpro.com.vn). Trên trang web này, thông tin về hoạt động Cty rất ít, phần nhà xưởng (factory) có 6 hình giới thiệu về "khu sản xuất" khá đẹp, nhưng địa chỉ SX ở đâu thì "giấu", không thấy đề cập.
Như vậy, câu hỏi về Cty Anh Nhân thu mua rau thơm của nông dân hay là tự tạo vùng nguyên liệu rau thơm sạch để xuất khẩu đã có câu trả lời. Vấn đề còn lại là sắp tới ngành chức năng cần phải có qui định vùng nguyên liệu và chế tài như thế nào đối với DN xuất khẩu rau (nói chung) để không xảy ra tình trạng mà nói như ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV là chỉ "làm ăn kiểu hám lợi cỏn con" ảnh hưởng đến nhiều DN khác đang XK rau quả sang EU.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020, có ý kiến lo ngại khó thực hiện được chủ trương này, nhưng thực tế hiện nay tốc độ chuyển đổi đã chậm lại; thậm chí có địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng, quay lại trồng lúa !

Đưa về những giống lúa mới, giúp nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt, thực hiện tốt việc liên doanh liên kết, giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân - đó là những gì mà từ nhiều năm nay, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Liên Thôn, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai đã làm được.

Các loại ngô ngọt, ngô rau dùng làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao vì bán được giá, thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ khoảng 65-90 ngày)

Bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ven biển ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và Sông Cầu đã tạm lắng, không phát hiện thêm vùng nuôi mới bị nhiễm bệnh.

Với quy trình công nghệ hiện đại khép kín từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu… Trại cá sấu Tồn Phát, ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM) hiện đã được Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã Quốc tế (CITES) cho phép xuất khẩu cá sấu, góp phần mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người nuôi.