Đến lượt ổi miền Tây chờ giải cứu

Từ đầu tháng 5 đến nay, do bước vào thời điểm điểm thu hoạch rộ nên ổi (giống ổi lê) ở miền Tây liên tục rớt giá từng ngày.
Tại các vườn ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp (Hậu Giang) và Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang), ổi được các thương lái trả giá chỉ 500-800 đồng/kg. Thậm chí, tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng), giá ổi chỉ còn 300-400 đồng/kg nhưng thương lái vẫn chê lên chê xuống.
Không được thương lái thu mua hoặc không chấp nhận bán giá rẻ bèo, hàng loạt nhà vườn đã mang ổi ra ven lộ để bán cho người đi đường, với giá từ 2.000-3.000 đồng/kg. Bà Lê Thị Lụa (ngụ thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A), nói như khóc: “Cả tấn ổi mà bán chỉ có 500.000 đồng thì lấy gì bù đắp vào chi phí phân bón, nhân công thu hoạch. Tui cố mang ra đường bán để kiếm thêm đồng nào hay đồng đó, chứ bán cho thương lái thì… đem cho còn hơn”.
Cũng theo bà Lụa, sau khi thu hoạch dứt điểm vụ ổi này, bà sẽ đốn bỏ gần 2 ha để chuyển sang trồng chanh không hạt.
Trong khi đó, anh Nguyễn Chí Thanh, một tài xế chuyên chở trái cây cho các thương lái ở Cái Bè (Tiền Giang), than vãn: “Lúc còn ở mức giá trên 10.000 đồng/kg, các thương lái sẵn sàng trả 500.000 đồng mỗi tấn ổi chở lên TP HCM tiêu thụ. Bây giờ ổi xuống giá quá thấp, họ nài nỉ mình giảm giá cước hơn phân nửa, nhưng vẫn phải chấp nhận, vì làm ăn lâu dài mà”.
Trái ngược với giá tại vườn, hiện ở nội ô TP Cần Thơ, ổi được bày bán với giá từ 4.000-6.000 đồng/kg. Còn Tại TP HCM, giá ổi có sự chênh lệch lớn tại các điểm bán. Cụ thể, ở chợ đầu mối Bình Điền, giá ổi sỉ đầu buổi ở mức 11.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá ổi tại các điểm bán vỉa hè và các loại xe bán dạo xoay quanh mức từ 13.000-15.000 đồng/kg. Tại chợ Bến Thành, giá ổi ruột đỏ được bán lên tới 25.000-30.000 đồng/kg.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết mặc dù trên địa bàn huyện chỉ trồng khoảng 35 ha ổi, nhưng hiện tại nhà vườn vẫn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Trong khi đó, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách (Sóc Trăng), sắp tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh và huyện khuyến cáo bà con chuyển một phần trong số gần 1.000 ha ổi sang trồng các loại cây ăn trái ngắn ngày, hoặc hoa màu khác, để giảm bớt áp lực đầu ra như hiện tại.
Có thể bạn quan tâm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người trồng bí tại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đều đến từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Họ phải thuê đất của người dân trong làng với giá từ 3 đến 8 triệu đồng/ha/vụ hoặc 3 triệu đồng/ha trong thời gian trên 2 năm. Hộ ít trồng 7 sào, hộ nhiều cũng trên 2 ha. Và việc trồng bí của họ cũng giống như 1 canh bạc, năm được, năm mất. Năm nay, ngoài một số ít hộ có lãi nhờ trồng sớm, còn lại đa số đều bị thua lỗ do bí vừa mất mùa, vừa mất giá.

Việc thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông báo số 3020/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại cây hồ tiêu.

Cuộc tọa đàm trực tiếp có chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”. Sáng 26/4, tại Cà Mau, Hệ thời sự chính trị tổng hợp (VOV1) và Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”.

Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh Tây Ninh hiện đạt khoảng hơn 27.900 ha, trong đó hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước là 27.000 ha, còn lại là sông suối, kênh rạch.

Theo tin từ Cục Thống kê, hiện nông dân các địa phương trong tỉnh Bình Định đã sử dụng 4.255 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Riêng diện tích mặt nước đã thả nuôi tôm 1.482,4 ha, tăng 67,5 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 483,3 ha diện tích tôm thẻ chân trắng và 999,1 ha tôm sú.