Đến hẹn lại rớt giá

Năm nay, thời điểm này, giá thanh long cũng lại giảm mạnh. Loại đạt chuẩn xuất khẩu cao nhất cũng khoảng 10.000 đồng/kg, bình quân 6.000 - 7.000 đồng/kg ở Bình Thuận, trong khi ở Long An, Tiền Giang chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg loại nhỏ, loại lớn cũng chỉ khoảng 7.000 đồng/kg.
Những người trong ngành không khó lý giải tình huống này: Thanh long cho trái quanh năm nhờ sáng kiến dùng đèn chiếu sáng buổi tối để ra hoa, những nông dân nghèo trồng thanh long không có điều kiện đầu tư lớn như trang bị bình biến áp, tạo nguồn nước để tưới dồi dào... nên họ chỉ còn trông chờ vào việc cây thanh long ra quả tự nhiên. Đây là thời điểm thu hoạch chính vụ nên sản lượng thanh long thu hoạch rất lớn, khó có thể tiêu thụ hết trong thời gian ngắn.
Đó là lý do giá thanh long thường xuống thấp vào tháng 8. Nhưng những thời điểm khác trong năm thì giá lại tăng, trên 10.000 đồng/kg, có nhiều lúc tăng rất cao 27.000 - 30.000 đồng/kg. Cho nên, với những người có điều kiện đầu tư, có thể dùng kỹ thuật làm cho thanh long thu hoạch lệch mùa vụ chính, thì vẫn có lời! Chỉ khổ cho nông dân nghèo trồng thanh long theo mùa vụ tự nhiên vì không có điều kiện áp dụng kỹ thuật mới.
Vì vậy, diện tích thanh long tăng lên qua từng năm và trồng trên 30 địa phương thay vì vài ba tỉnh như trước. Bình Thuận là vùng trồng trọng điểm của cả nước, tỉnh quy hoạch đến 2015 là 15.000ha nhưng hiện nay đã phát triển trên 22.000ha.
Các tỉnh Long An, Tiền Giang cũng vậy, nên khi thu hoạch chính vụ sản lượng quá lớn, áp lực tiêu thụ càng nhiều nên dễ bị ép giá. Đó là chưa nói nhiều loại trái cây khác cũng thu hoạch vào thời kỳ này nên người tiêu dùng có sự lựa chọn khi mua. Hơn nữa, khoảng 70% sản lượng thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, trong khi đây là thị trường đầy rủi ro và thất thường.
Trong kinh doanh, việc thu hoạch rộ là điều kiện để người mua ép giá. Thương nhân Trung Quốc là những người làm điều này rất giỏi khi họ cùng hợp tác và đồng lòng.
Họ chỉ mua nhỏ giọt để một lúc đạt hai mục đích: Tạo ra cơn khan hàng giả tạo tại thị trường Trung Quốc nên dễ đẩy giá bán thanh long lên cao; trong khi đó, sau thời gian hạn chế mua, lượng thanh long trong dân cần thu hoạch nhiều hơn, người nông dân buộc phải bán dù giá rẻ với hy vọng còn có thể vớt vát đôi chút, nên dễ tạo tâm lý bán tống bán tháo.
Thật ra điều này diễn ra ở thị trường Trung Quốc bao nhiêu năm qua và không chỉ với trái thanh long, nhưng chúng ta vẫn chưa có cách để ứng phó hiệu quả, chủ yếu do chưa có sự đồng thuận và gắn kết. Điều đáng nói hơn là năm nay, các thương nhân Trung Quốc tung nhân viên xuống tận các vùng trồng thanh long để hỏi mua, tất nhiên với giá thấp, tạo ra tâm lý hoang mang, khiến người trồng phải bán do sợ không ai mua với giá cao hơn.
Thanh long là loại trái cây Việt Nam có nhiều ưu thế nhờ đi trước các nước khi trồng tập trung với sản lượng lớn để xuất khẩu, nhưng hơn 20 năm qua, thanh long vẫn chỉ phát triển tự phát: Khi dịch bệnh làm nông dân điêu đứng, chúng ta mới tính tới chuyện phòng chống; doanh nghiệp thì tự cạnh tranh lẫn nhau để tranh khách hàng nên bị dìm giá.
Khâu sau thu hoạch chưa đóng góp nhiều cho ngành hàng này, nhất là về chế biến. Hầu như chủ yếu là xuất khẩu tươi. Mới đây, có một thầy giáo trồng thanh long ở Long An xây dựng nhà xưởng làm rượu thanh long.
Trong khi ở Malaysia, theo Tiến sĩ Võ Mai, nguyên là Chủ tịch Vinafruit (nay là Hiệp hội Rau quả Việt Nam), dù đi sau chúng ta trong việc trồng thanh long, Malaysia đã có cả chục sản phẩm chế biến từ thanh long nhằm tiêu thụ những trái bị dập, bị dạt hay nhỏ không sử dụng tươi được.
Trong khi đó, về xuất khẩu, phần đông doanh nghiệp chúng ta vẫn bám thị trường Trung Quốc nhờ gần và dễ tính, dẫn đến sự lệ thuộc; lượng doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi những thị trường khó tính chưa nhiều nên chưa có thể chi phối, giúp kéo giá thanh long lên khi thị trường Trung Quốc “trở chứng”.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, diện tích nuôi thủy sản của thành phố trong 7 tháng đầu năm 2014 là 8.100 ha, đạt 62,3% kế hoạch năm và tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2013; đến nay sản lượng thu hoạch được 77.320 tấn, tăng 7,73% so với cùng kỳ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi học hết phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để học tiếp nên Hồ Phi Hiển quyết định vào Phú Quốc (Kiên Giang) tìm cơ hội lập nghiệp.

Theo nhận định của các ngành chuyên môn thì nuôi thâm canh, bán thâm canh là yếu tố gây áp lực môi trường đối với một số vùng nuôi mà hệ thống thủy lợi chưa thông thoáng.

Năm nay, sau 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thua lỗ, nhiều nông dân ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thả nuôi tiếp vụ thứ 3 với hy vọng gỡ vốn, nhưng tôm lại tiếp tục chết…

Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, là người đầu tiên ở miền Tây thực hiện mô hình nuôi gà Đông Tảo (gà tiến vua) trở thành triệu phú.