Đề xuất tiêu hủy đàn heo dùng chất cấm

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai kiểm tra chất cấm ở các tỉnh phía Nam ngày 12-11 tại TP.HCM do Cục Chăn nuôi tổ chức.
Theo ông Lê Thanh Tùng - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, từ tháng 10 đến nay khi kiểm tra chất cấm tại các trại chăn nuôi heo đã phát hiện có dương tính với chất cấm lên đến trên 20%. Trong đó, một trang trại chỉ nuôi 100 con heo nhưng bị phát hiện chứa 14kg chất salbutamol nguyên chất mua ở Long An.
Theo ông Tùng, ngoài một số thương lái đưa chất cấm cho hộ chăn nuôi và hứa sẽ mua lại với giá cao hơn thị trường từ 200.000-300.000 đồng/con heo, nhân viên tiếp thị thức ăn chăn nuôi của một số công ty cũng bán thêm chất cấm để kiếm lợi nhuận.
Trong khi đó, ông Phan Minh Báu, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết nhiều trang trại chuyên mua heo khoảng 70kg về vỗ lên cỡ 90kg cũng chủ động dùng chất cấm.
Tuy nhiên theo ông Báu, việc quy định “ngưỡng an toàn” về dư lượng salbutamol tại thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT đã tạo kẽ hở cho người chăn nuôi lợi dụng, mức phạt cũng bị cào bằng nên cơ quan chức năng rất lúng túng, việc chế tài chưa đủ sức răn đe.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng nếu các địa phương mạnh dạn phạt kịch khung, như tiêu hủy cả đàn heo nếu trang trại tái phạm sử dụng chất cấm, sẽ khiến các trang trại chăn nuôi chùn tay trong việc sử dụng chất cấm.
“Đến nay vẫn chưa có địa phương nào tiêu hủy đàn heo ở những trang trại tái phạm là chưa dùng hết các khung hình phạt hiện có” - ông Dương nói.
* Bắt quả tang vụ trộn chất gây ung thư vào thức ăn chăn nuôi
Sáng cùng ngày, thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với cơ quan công an kiểm tra Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), phát hiện doanh nghiệp này sử dụng chất vàng O - loại phẩm màu dùng cho công nghiệp dệt nhuộm và giấy - để trộn vào thức ăn chăn nuôi gà và heo.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện có hai thùng vàng O có trọng lượng 13kg, trong khi trọng lượng ban đầu là 30 kg/thùng.
Ông Phạm Tiến Dũng - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ NN&PTNT - cho biết khi làm việc với đoàn kiểm tra, công ty này thừa nhận đã trộn chất vàng O vào thức ăn chăn nuôi với tỉ lệ 0,2kg vàng O/tấn thức ăn, số thức ăn chăn nuôi được trộn vàng O đưa ra thị trường rất lớn. Đoàn kiểm tra đã niêm phong số thức ăn chăn nuôi và vàng O này để chờ xử lý.
Trước đó, theo ông Dũng, Cục Chăn nuôi cũng đã phát hiện Công ty Minh Tâm và một công ty ở tỉnh Hưng Yên có sử dụng vàng O phối trộn vào thức ăn chăn nuôi, trong đó tại Công ty Minh Tâm có 22kg, công ty ở Hưng Yên có 49kg vàng O.
“Vàng O đưa vào thức ăn chăn nuôi nhằm làm da và chân gà vàng đẹp, thịt heo màu hồng đẹp, tăng giá trị về cảm quan với người tiêu dùng, nhưng thực nghiệm trên động vật cho thấy vàng O có nguy cơ gây ung thư, biến đổi gen và có khả năng di truyền qua các thế hệ” - ông Dũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Phước Hà (Thuận Nam - Ninh Thuận) là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có 5 thôn với 651 hộ, 3.218 khẩu. Những năm qua, tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, địa phương đã hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đáng kể nhất là mô hình nuôi bò vỗ béo đang mang hiệu quả thiết thực.

Đến xã Bình Thanh (Cao Phong - Hòa Bình) hỏi về mô hình chăn nuôi và đem lại thu nhập cho người dân nhất, phần lớn người dân nơi đây đều nói mô hình nuôi dê. Để tìm hiểu điều này, chúng tôi được khuyến nông viên xã đưa đi thăm mô hình nuôi dê của một vài hộ. Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Bách ở xóm Lòn.

Trong 2 ngày (22 và 23/4/2015), Quỹ Prudence thuộc Prudential Việt Nam đã trao tặng 50 con bò, “đầu cơ nghiệp” cho 50 hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai.

So với các tỉnh, thành trong cả nước, Bạc Liêu được xếp vào tỉnh giàu tiềm năng về kinh tế biển. Với bờ biển dài 56km, Bạc Liêu đã và đang hình thành những mô hình nuôi trồng, xuất khẩu đột phá đứng nhất, nhì cả nước. Đồng thời nơi đây cũng đang tập trung nhiều dự án động lực để doanh nghiệp, ngư dân thay nhau làm giàu.

Ngày 21-4, Cục Thú y phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Tác nhân và một số giải pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp AHPNS và bệnh vi bào tử trùng EHP trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm”. Các cơ sở sản xuất tôm giống ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và một số hộ nuôi tôm thương phẩm dự hội thảo.