Dê Núi Quất Sơn

Sau gần chục năm nuôi dê, anh Lê Văn Hồng, thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có thu nhập cao từ loài vật này.
Trước đây, anh Hồng từng nuôi chim bồ câu và thỏ nhưng bị thiệt hại do dịch bệnh. Năm 2006, biết người dân xã Huyền Sơn (Lục Nam) phát triển mô hình nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao nên anh học làm theo. Ban đầu, anh mua 10 con dê giống với tổng số tiền 13 triệu đồng. Được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận, đàn dê nhanh chóng sinh sôi. Có thời điểm, tổng đàn lên đến 300 con, còn thông thường có 140 - 170 con.
Theo anh Hồng, nuôi dê không tốn nhiều chi phí bởi chúng ăn tạp, chủ yếu là cỏ và lá cây. Nhà ở gần núi Quất Sơn, sáng sáng anh đưa dê lên núi chăn thả, tối lại lùa về, nguồn thức ăn trong núi dồi dào nên không phải bổ sung thức ăn tinh.
Để đàn vật nuôi khoẻ mạnh, anh chú trọng khâu phòng dịch bệnh. Ngoài tiêm phòng vắc xin, anh thường xuyên quan sát, biết sớm con nào ăn ít hoặc bị ốm để chữa chạy kịp thời. Chuồng trại có sàn gỗ làm cao hơn mặt đất khoảng một mét, luôn sạch sẽ, vào mùa đông được che chắn tránh gió lùa.
Được biết, trung bình một năm dê đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Hiện giá dê hơn 100 nghìn đồng/kg. Xuất chuồng khi đạt trọng lượng 30 kg/con (từ 6-7 tháng tuổi), bình quân mỗi con cho lãi khoảng 3 triệu đồng. Ba năm gần đây, gia đình anh Hồng thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi, anh Hồng trồng dứa trái vụ để tăng thu nhập. Nhờ mạnh dạn, năng động trong sản xuất, gia đình người chăn dê ở núi Quất Sơn đã có vốn tích luỹ để xây dựng nhà cửa, cải thiện cuộc sống.
Hiện nay, dê thịt đang rất được ưa chuộng bởi có nguồn dinh dưỡng cao, thương lái trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tận nhà thu mua. Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng mình, anh Hồng còn cung cấp con giống, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con trong thôn. Nhiều gia đình đã chuyển từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sang nuôi dê và thu được lợi nhuận khá.
Có thể bạn quan tâm

Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường đã gần bằng cả năm ngoái (181 lô so với 187 lô). Tôm là mặt hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 82 lô (cả năm 2014 có 86 lô tôm bị cảnh báo)...
Sáng 28-10, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) phối hợp với Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả hỗ trợ giống cà phê vối lai TRS1 phục vụ tái canh cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, giai đoạn 2011 - 2015, bên cạnh các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) do tỉnh Vĩnh Long đầu tư, từng huyện cũng đồng loạt khuyến khích nông dân triển khai nhiều mô hình tương tự.

Thời gian qua, không ít nông dân trong tỉnh Bình Phước chạy theo phong trào chặt - trồng, trồng - chặt với ý định đón đầu những mặt hàng nông sản đang “thịnh”.

Do thiếu nước, cây lúa gieo vụ Mùa ở Phù Mỹ không trỗ nổi, nông dân đành cắt lúa... cho bò ăn.