Để Con Tôm Đem Lại Giá Trị Kinh Tế Cao

Năm 2013 vừa qua, dân nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng thắng lớn cả về sản lượng và giá. Toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 9.500ha nuôi tôm (trong đó có 2.500ha nuôi tôm chân trắng) với tổng sản lượng trên 8.000 tấn; giá bán trên thị trường dao động trong khoảng 150.000-210.000 đồng/kg (cao hơn từ 70.000-100.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2012).
Đặc biệt con tôm thẻ chân trắng đạt năng suất bình quân gần 3 tấn/ha; một số vùng nuôi tập trung có hạ tầng tốt như Móng Cái, Quảng Yên đạt năng suất từ 10-20 tấn/ha. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ tôm năm 2013 vừa qua, hầu hết các hộ nuôi tôm đều thu được từ 1-2,5 tỷ đồng/ha/năm.
Cá biệt có hộ thu gần 4 tỷ đồng như hai anh em ông Bùi Văn Quang, Bùi Văn Tuấn ở xã Đông Ngũ (Tiên Yên); các hộ nuôi tôm phường Hải Hoà (Móng Cái) cũng đạt thu gần 700 tỷ đồng, trong đó hộ ông Bùi Ngọc Liêm lãi 2,5 tỷ đồng; Công ty CP Thuỷ sản Bim, một đơn vị sản xuất tôm ở TX Quảng Yên thu lãi gần 40 tỷ đồng...
Từ những hiệu quả trên, bước vào vụ tôm năm nay, người nuôi tôm với khí thế phấn khởi đã và đang chuẩn bị các điều kiện để thả tôm, mở rộng diện tích nuôi tôm.
Ông Lưu Thế Phương, Trưởng Phòng Môi trường và Dịch vụ, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh cho biết: Đến thời điểm này tuy chưa có con số thống kê chính thức, song nhiều khả năng tổng diện tích nuôi tôm năm nay sẽ tăng hơn năm trước. Hiện nay các hộ nuôi tôm đang cải tạo ao đầm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chuẩn bị giống để thả.
Có thể thấy, tuy đem lại giá trị lớn song con tôm cũng có tính rủi ro cao, nhất là tình trạng nhiễm dịch bệnh và sự thiếu ổn định về giá thu mua. Năm 2013, đã có thời điểm vùng tôm Hải Lạng (Tiên Yên) bị nhiễm bệnh, chết trắng đầm. Nguy hại hơn, sau mỗi đợt tôm bị nhiễm dịch như vậy, việc cải tạo môi trường để tái sản xuất rất khó khăn, nguy cơ tôm tái nhiễm bệnh cũ cao.
Đồng thời hiện đầu ra của con tôm Quảng Ninh vẫn chủ yếu là Trung Quốc, trong khi đó ai cũng biết đây là thị trường biến động khó lường. Ngoài ra thì hệ thống cơ sở hạ tầng vốn có tính quyết định rất lớn đến sự thành công của con tôm thì hiện đang là điểm yếu và thiếu của ngành công nghiệp nuôi tôm trên địa bàn.
Thực tế hệ thống hạ tầng nuôi tôm trên toàn tỉnh đang thiếu đồng bộ, số các ao đầm nuôi tôm được đầu tư bài bản không nhiều, chỉ mới tập trung ở những vùng nuôi tôm tập trung và các đơn vị doanh nghiệp sản xuất tôm.
Đặc biệt hệ thống hạ tầng để đảm bảo chất lượng môi trường nước nuôi tôm rất hạn chế. Kênh mương cấp thoát nước tại các vùng nuôi tôm tập trung chủ yếu là dùng chung, chưa được đầu tư cứng hoá. Các điều kiện về con giống cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.
Bởi hiện nay toàn tỉnh đang có 17 đơn vị cung ứng giống song chỉ có 8 đơn vị cung ứng giống tôm với sản lượng tối đa cũng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu trên địa bàn. Ngoài ra mặc dù chất lượng giống tôm ở đây được đánh giá tốt, tuy nhiên giá lại cao hơn bên ngoài nên không ít người đã chọn mua giống trôi nổi, không rõ xuất xứ.
Sau dịp tiết thanh minh, khi nhiệt độ ấm áp hơn là thời điểm người nuôi tôm đồng loạt xuống giống. Để con tôm có thể đem lại giá trị kinh tế cao, người nuôi tôm cần phải chú ý các điều kiện đảm bảo sinh trưởng và phát triển phù hợp cho con tôm.
Đơn cử như môi trường nước, tiêu chuẩn ao đầm, mật độ thả, biện pháp phòng chống dịch... và đặc biệt là phải tuân thủ lịch mùa vụ cũng như những khuyến cáo của cơ quan chức năng. Ngoài ra người nuôi nên mua giống ở những cơ sở có uy tín; sử dụng thức ăn nuôi tôm, chế phẩm hoá chất liên quan trong danh mục.
Ngoài ra người nuôi nhất thiết phải làm thủ tục kê khai đăng ký sản xuất ban đầu theo quy định để nếu có rủi ro xảy ra còn được hỗ trợ kịp thời.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, nông dân ngày càng xa rời cây mía vì cho rằng Nhà máy Đường Phổ Phong (Nhà máy) ép họ trong quá trình đầu tư sản xuất cũng như thu mua. Niên vụ 2013 - 2014, Nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá 850.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường (CCS), thấp hơn năm trước 50.000 đồng/tấn.

Cách nay hơn 4 năm, phong trào nuôi nhím trên địa bàn huyện phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, đầu ra của loài vật nuôi này rất bấp bênh. Trong khi đó, chồn mướp là vật nuôi mới lạ, cho giá trị kinh tế cao mà số lượng hộ nuôi không nhiều. Vì thế, anh Nhi dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng...

Năm 2014, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án xây dựng mô hình trình diễn với quy mô 160 con bò, 130 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật. Sau khi được tham gia tập huấn các hộ đã biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăn nuôi tại gia đình như: Cách tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, cho ăn thức ăn hỗn hợp kết hợp thức ăn thô xanh, cách trồng và ủ chua thức ăn xanh… nên đàn bò khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng trọng bình quân 738,5 g/con/ngày, bình quân mỗi bò vỗ béo cho lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/con/tháng. Như vậy nuôi bò vỗ béo cho hiệu kinh tế cao hơn so với nuôi thông thường > 15%.

Theo các nhà vườn trồng cam xoàn trong huyện, hàng năm mỗi héc-ta cam xoàn cho năng suất từ 20-25 tấn trái/năm, có thể thu lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng. Theo dự báo của ngành nông nghiệp huyện, diện tích trồng cam xoàn ở huyện Long Mỹ sẽ còn tăng nhiều trong thời gian tới.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015, tỉnh ta sẽ phát triển đạt 5.000ha cam, quýt. Và theo mục tiêu phát triển của tỉnh, từ năm 2016 – 2020, mỗi năm toàn tỉnh sẽ tiếp tục trồng mới 350ha, đầu tư thâm canh xây dựng vườn cam kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm 400ha.