Để Có Cá Tra Giống Chất Lượng Cao

Đề cập tới nghề nuôi cá tra (CT), thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các cụm từ: “Treo ao”; người nuôi thua lỗ, thiếu vốn; xây dựng nhà máy chế biến CT theo kiểu phong trào... Đó là “một góc” hiện trạng nghề nuôi CT ở vùng ĐBSCL cần có các giải pháp giải quyết.
Tuy nhiên, để nghề nuôi CT phát triển bền vững, một vấn đề không thể xem nhẹ là chất lượng con giống. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành - bại đối với người nuôi. Theo nhiều người nuôi CT, tỉ lệ hao hụt bình quân lên đến 25 - 30%, nếu mua... nhầm cá giống từ nguồn cá bố mẹ bị đồng huyết, thoái hóa, tỉ lệ hao hụt có thể lên đến 40 - 50%.
Chất lượng CT giống kém chất lượng là do thời gian qua, nguồn giống cá hậu bị, cá bố mẹ chỉ mới có 5,2%/152 trại sản xuất cá bột có đàn cá bố mẹ đã qua chọn lọc di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (NCNTTSII), trên 31% cơ sở sản xuất chọn mua cá bố mẹ từ nguồn cá tự nhiên. Có đến gần 57,5% số trại tự chọn lựa cá bố mẹ từ đàn cá nuôi thịt.
Đây là tình hình rất đáng quan ngại, là “lực cản” đối với mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất CT theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP. Có thể thấy, trình độ kỹ thuật ươm CT giống của các trại sản xuất còn hạn chế; số hộ tham gia sản xuất cá giống quá nhiều (trên 4.400), lại phân bố rải rác ở nhiều nơi nên việc kiểm tra chất lượng còn lỏng lẻo. Quả vậy, theo kết quả điều tra gần đây của Viện NCNTTSII, chỉ có 5/8 tỉnh có kiểm dịch con giống; 5 - 6/8 tỉnh có tổ chức tập huấn về quản lý chất lượng, kỹ thuật sản xuất giống; 5 - 6/8 tỉnh có kiểm tra thú y cơ sở sản xuất giống...
Tại Diễn đàn khuyến nông @ diễn ra ở Trà Vinh gần đây với chủ đề “Phát triển nghề nuôi CT theo hướng VietGAP”, nhiều ý kiến lại cảnh báo về chất lượng CT giống.
Theo Viện NCNTTSII, hàng năm các cơ sở sản xuất, ươm CT giống vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường khoảng 16 tỉ cá bột, gần 2 tỉ cá giống - đáp ứng nhu cầu cho toàn vùng. Ấy nhưng, thời gian qua, tuy có không ít chương trình nâng cấp chất lượng CT giống được triển khai (mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất CT giống đạt chất lượng, thay thế đàn cá bố mẹ bị suy thoái bằng đàn cá bố mẹ sạch bệnh...), song chất lượng CT giống vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Vừa qua, Viện NCNTTSII đã cung cấp 100.000 con cá tra hậu bị cho một số trại giống ở các địa phương vùng ĐBSCL từ chương trình tuyển chọn giống CT trên tính trạng kháng bệnh gan - thận mủ. Từ nguồn cá giống hậu bị này, có thể tạo ra con giống có tốc độ tăng trưởng cao hơn giúp tăng năng suất, giảm giá thành - thời gian nuôi...
Tuy nhiên, cùng với nguồn cá bố mẹ chất lượng tốt, sạch bệnh, theo các nhà khoa học ngành thủy sản, cần nghiên cứu thức ăn đặc thù cho từng giai đoạn cá bố mẹ, cá giống; thuốc phòng trị bệnh chuyên dùng; phát triển công nghệ nuôi nước (thông qua đó kiểm soát được chất lượng nước); nâng diện tích bình quân mỗi ao ươm lớn hơn so với bình quân hiện nay (2.000 m2/ao)...
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sẽ phối hợp cùng các tổ chức trong và ngoài nước khởi động dự án "Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam".

Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Dự án Khoa học công nghệ cấp tỉnh “Phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng Thái Lan lai quy mô nông hộ” tại huyện Phổ Yên.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch cúm H5N1, một số hộ chăn nuôi gà phải lâm vào cảnh trắng tay. Thế nhưng, tại ấp Tân Hữu thuộc xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc có mô hình nuôi gà ta theo phương pháp mới của anh Nguyễn Văn Thành vẫn không bị dịch bệnh. Hàng năm, gia đình anh thu nhập trên trăm triệu đồng từ việc bán trứng, bán gà giống và gà thịt.

Ông Phạm Văn Tánh, ấp Thanh Nhung I (Phước Trung, Gò Công Đông, Tiền Giang) vừa thu hoạch ao nuôi tôm đất 3.000m2 đầu tiên với lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Do không có nhiều kinh nghiệm nuôi đối với loại tôm này nên hiệu quả mang lại chưa cao, nhưng bước đầu có thể thấy đây là giải pháp thay thế an toàn đối với các ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh bị dịch bệnh.

UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích mía vùng quy hoạch là 11.000 ha, sản lượng 900.000 tấn mía, chiếm trên 90% sản lượng mía toàn tỉnh.