Đẩy Mạnh Công Tác Xúc Tiến Thương Mại

Xúc tiến thương mại là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là khi hành trình hội nhập kinh tế đã cận kề, nổi bật là năm 2015 gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
Tạo cơ hội quảng bá cho doanh nghiệp
Hội nhập kinh tế quốc tế vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là khi môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng trở nên gay gắt. Việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại được xem là vấn đề cấp bách hiện nay, nó không chỉ là đòn bẩy hữu hiệu nhất giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường kinh doanh mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, trong thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác xúc tiến thương mại. Trong năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Gia Lai (thuộc Sở Công thương) đã giới thiệu quảng bá cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ tham gia các hội chợ trong nước và phối hợp tổ chức thành công Hội chợ Công thương cấp khu vực do Cục Xúc tiến Thương mại và Sở Công thương chỉ đạo.
Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được đánh giá cao về khâu tổ chức và công tác phối hợp thực hiện, đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 29 phiên chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận với nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, cho biết: Trong tháng 3-2015, Trung tâm sẽ hướng dẫn và hỗ trợ 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà và Công ty cổ phần Cà phê Classic tham gia Hội chợ Triễn lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 5 tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đak Lak).
Nhân rộng mô hình tổ chức các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” với quy mô lớn (từ 60 đến 100 gian hàng/mỗi phiên chợ) và thời gian kéo dài hơn (tăng từ 2 đêm 3 ngày lên 6 ngày 5 đêm). Đồng thời, kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia, đa dạng hóa các mặt hàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
Bên cạnh đó, việc khai thác và cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Gia Lai (tên miền là http://tipcgialai.vn) đã được nhiều đối tượng quan tâm, số lần truy cập vào trang thông tin điện tử có ngày hơn 2.000 lượt truy cập để tìm hiểu thông tin về giá cả thị trường và các hoạt động của ngành Công thương.
Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện và phát sóng chuyên mục Truyền hình Công thương nhằm phản ánh những hoạt động chính của ngành trong tháng. Bản tin Công nghiệp và Thương mại được xuất bản định kỳ hàng tháng cung cấp cho các cấp lãnh đạo trong tỉnh cũng được đánh giá rất cao, tin tức phản ánh trong bản tin công nghiệp và thương mại luôn kịp thời và nội dung đầy đủ các hoạt động của những phòng chuyên môn thuộc Sở Công thương cung cấp.
Có thể nói, công tác xúc tiến thương mại những năm gần đây đã có nhiều đột phá, bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định, không những góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh mà còn kết nối được nhiều tổ chức kinh doanh thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại trong cả nước.
“Trong năm 2015, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những thông tin bổ ích, những hỗ trợ cần thiết trong công tác xúc tiến thương mại cũng như thể hiện vai trò cầu nối giúp cho các doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn với môi trường kinh doanh trong và ngoài nước.
Đồng thời, chú trọng hơn nữa đến việc nghiên cứu để nâng cao chất lượng, giá trị của thông tin, trên website, trên Truyền hình Công thương và trên bản tin Công nghiệp và Thương mại nhằm phản ánh thông tin một cách kịp thời, chính xác như thông tin về thị trường xuất nhập khẩu, cơ chế chính sách, thông tin về các hiệp định thương mại, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường ngày một chất lượng và phong phú hơn”- bà Nguyễn Thị Bích Thu cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Hàng loạt thông tin về sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng luôn lo lắng, muốn tìm kiếm sản phẩm sạch. Nhưng nghịch lý trên thị trường là sản phẩm VietGAP (sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) sản lượng ít, nhu cầu cao, nhưng lại khó tiêu thụ...

Chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai - Lào Cai) từ lâu đã là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần (Hà Giang) tụ hội về đây. Đến thăm phiên chợ độc đáo này, chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” nhiều mẩu chuyện vui.

Năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những hạn chế của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay. Nếu không khắc phục những tồn tại này, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Trong đó, dự kiến, thuế suất nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%.

Dọc quốc lộ 1 tại khu phố Lương Hòa (thị trấn Lương Sơn - Bắc Bình - Bình Thuận) dễ dàng nhận thấy đàn bò béo tròn bên ruộng cỏ voi xanh mơn mởn thay cho ruộng hoa màu kém hiệu quả trước đây. Đó là mô hình trồng cỏ nuôi bò của các hộ dân nơi đây.

Huyện Đơn Dương là nơi nghề chăn nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 8.600 con. Trên địa bàn huyện này có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa nguyên liệu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, các doanh nghiệp đồng loạt ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những gia đình nuôi bò sữa mới phát sinh.