Đậu xanh vào mùa thu hoạch
Xã Khánh Bình Tây là địa phương trồng nhiều vụ đậu xanh dưới ruộng nhất và nhiều nhất của huyện Trần Văn Thời. Tập trung nhiều ở các ấp: Cơi 5A, Cơi 5B, Ðá Bạc, Cơi Tư và rải rác ở ấp Cơi 6B. Từ việc trồng đậu xanh, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Sau nhiều năm khẳng định được hiệu quả kinh tế của việc trồng đậu xanh, đến nay, chị Nguyễn Thị Hồng Gấm, ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, mạnh dạn trồng đậu xanh hết diện tích đất. Hiện gia đình chị thu hoạch xong đợt 1, đang chuẩn bị thu hoạch đợt còn lại. Ước bình quân mỗi công trên 200 kg đậu hột. Với mức giá hiện nay là 26.000 đồng/kg, vụ đậu xanh năm nay gia đình chị thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Chị Gấm thông tin thêm, mấy năm nay nhiều hộ mở rộng diện tích trồng đậu xanh dưới ruộng nên các chị em thành lập tổ thu hoạch đậu xanh vần công. Nhờ vậy mà không tốn kém chi phí thuê nhân công vào thời điểm thu hoạch.
Nếu như năm trước chỉ có vài hộ nông dân trồng đậu xanh thử nghiệm, diện tích vài công thì năm nay, nông dân ấp 8, xã Khánh Bình Ðông mạnh dạn mở rộng diện tích lên 15 ha, với 19 hộ tham gia. Vụ đậu xanh năm nay chị Tăng Thu Huyền, ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, trồng 3 công, ước tính mỗi công thu hoạch từ 150 - 200 kg. Nếu mức giá ổn định như hiện nay thì gia đình chị có lãi từ 8 - 9 triệu đồng.
Ông Dương Văn Hoà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Bình Ðông, cho biết, vụ đậu xanh năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, hiện bà con đang khẩn trương thu hoạch đợt đầu. Giá đậu xanh được các thương lái chào hàng tương đối cao, dao động từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Ở mức giá này thì người trồng đậu xanh có thu nhập khá.
Trồng đậu xanh dưới ruộng không chỉ đem lại thu nhập cho nông dân, tránh lãng phí đất, mà còn tạo việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương. Chị Ngô Thị Dễ, ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, chia sẻ: “Hiện giờ, ngoài đồng ruộng cũng chẳng có việc gì làm. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi đi bẻ đậu xanh mướn cho bà con. 1 ngày ráng làm, bẻ được 25 thùng, mỗi thùng chủ ruộng trả 6.000 đồng”.
Chị Nguyễn Thị Ðát, ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, cũng cho biết, công việc bẻ đậu xanh mướn này cũng không cực khổ lắm, tranh thủ thời gian rảnh cũng kiếm được mấy chục ngàn đồng/ngày, xoay xở trong gia đình.
Vào những ngày này, tại các ruộng trồng đậu xanh ở xã Khánh Bình Ðông, không chỉ có chị Dễ, chị Ðát làm công việc thu hoạch đậu xanh mướn mà còn có các em học sinh. Tranh thủ thời gian 1 buổi không đến trường, các em bẻ đậu xanh mướn cũng kiếm thêm được ít tiền phụ cha mẹ lo chuyện học hành.
Có thể bạn quan tâm

Thời tiết năm 2013 diễn biến không thuận lợi, nắng nóng xuất hiện sớm, kéo dài xen kẽ các đợt gió mùa, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch lớn, giữa năm hai cơn bão số 5 và số 6 diễn ra liên tiếp, các yếu tố trên đã làm cho môi trường nuôi bị xáo động lớn, tôm, các con nuôi bị chết ở các vùng bãi bồi ven biển và vùng nội đồng các huyện như Nho Quan, Yên Mô.

Sáng 13-1, ông Nguyễn Văn Lắm cho biết vừa cào bắt được con cá chình nước ngọt cân nặng hơn 8,5 kg trên tuyến Kênh Xáng thuộc xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Bình thuận có đa dạng loại hình nuôi thủy sản như: sản xuất tôm giống, nuôi tôm, cá nước lợ, nuôi tôm cá bằng lồng bè trên biển, nuôi cá hồ chứa (cá tầm), nuôi cá nước ngọt trong ao đất, nuôi cá nước ngọt bằng lồng bè... Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai các mô hình nuôi thủy sản với mục tiêu đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản.

Khu bảo vệ thủy sản (BVTS) Cồn Chìm (Vinh Phú) thành lập thí điểm cuối năm 2009, được bà con ngư dân hưởng ứng và đồng thuận cao. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 10 khu BVTS giúp tôm, cá có nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá ở đầm phá.

Nằm bên dòng sông Sêrêpôk hoang dã, người dân thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thành công trong việc đưa cá lăng đuôi đỏ vào nuôi trong ao nước tĩnh đã góp phần làm hồi sinh dòng cá bản địa quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng.