Đậu Phụng Trên Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Những năm gần đây, nhận thấy cây đậu phụng rất phù hợp trên chân đất cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nông dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất.
Trong năm 2014, diện tích đậu phụng ở Lý Sơn đã tăng lên 92ha. So với năm 2013, tăng 22ha. Diện tích trồng đậu phụng vẫn tiếp tục tăng do còn nhiều hộ vẫn chưa xuống giống.
Sau Tết Nguyên đán, nông dân Lý Sơn bắt đầu xuống giống đậu phụng. Cây đậu phụng được trồng xen canh với cây tỏi. Chính vì vậy, khi thu hoạch xong cây tỏi thì cây đậu cũng đã được một tháng tuổi.
Bà Nguyễn Thị Huyền, xã An Hải cho biết: “Đậu phụng bây giờ vừa cho năng suất cao lại vừa có giá. Năm ngoái tôi trồng hơn 1 sào đậu, thu được trên 1,2 tạ, bán gần 5 triệu đồng. So với trồng tỏi, hành thì lợi nhuận của cây đậu không bằng, nhưng chi phí thấp, lại đỡ tốn công. Đặc biệt, thân cây đậu phụng dùng làm phân bón rất tốt nên tính ra vẫn có lãi. Vì vậy năm nay tôi quyết định tăng diện tích trồng đậu lên 4 sào. Hy vọng năng suất sẽ đạt như vụ mùa trước”.
Trước đây nông dân Lý Sơn ít chú trọng đến cây đậu phụng do người dân chưa biết kỹ thuật trồng cũng như còn e dè trong việc sợ năng suất không đạt bằng cây bắp, đậu xanh. Tuy nhiên, từ năm 2012, khi cây đậu phụng bắt đầu có giá và nhu cầu trồng đậu ép dầu ngày càng nhiều thì diện tích trồng đậu đã tăng lên đáng kể. Bà Dương Thị Bình, thôn Đồng Hộ, xã An Hải chia sẻ: "Những năm trước tôi chỉ trồng bắp với đậu xanh, nhưng năm 2013, trồng thử 300m2 đậu thấy hiệu quả nên vụ này tôi trồng thêm 4 sào nữa".
Trước nhu cầu trồng đậu ngày càng nhiều của người dân trên đảo, UBND huyện Lý Sơn đã tiến hành hỗ trợ giống cho nông dân. Theo đó, trước Tết, mỗi hộ dân trên đảo được huyện hỗ trợ 3,7kg đậu phụng giống. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân có đủ đậu giống để trồng, huyện cũng đã yêu cầu các xã lập danh sách những hộ có nhu cầu và số lượng đậu giống cần đáp ứng. Trên cơ sở đó, huyện liên hệ giúp người dân có được giống đậu tốt để trồng.
Ông Mai Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, lâu nay người dân chỉ trồng đậu phụng một cách tự phát, nhưng hiệu quả mang lại cao.
Vì thế thời gian gần đây, người dân bắt đầu chú trọng đến việc mở rộng diện tích, tăng năng suất cây đậu. Bên cạnh đó, chất đất ở Lý Sơn cũng rất thích hợp để đậu phụng phát triển. Bản thân đất ở đây đã có chứa chất vôi. Vì vậy trong quá trình làm đất, người nông dân không cần phải bón vôi, đỡ tốn một phần chi phí.
Đặc biệt từ ngày có hồ chứa nước Thới Lới thì diện tích trồng đậu phụng trên địa bàn xã đã tăng lên đáng kể. Hồ chứa nước Thới Lới cung cấp nước tưới cho 60ha đất nông nghiệp của xã An Hải. Cũng nhờ có nguồn nước này mà cây đậu mới có đủ nước tưới, các giếng nước nằm ở phía dưới cũng đã có mạch nước ngầm, đỡ khô trong mùa nắng và bị nhiễm mặn.
So với trồng bắp, đậu xanh, thì cây đậu phụng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn. Bởi theo người dân, Lý Sơn thường có nhiều gió, làm cây bắp dễ bị ngã đổ, gây thiệt hại, giảm năng suất.
Cây đậu phụng không chỉ mang lại năng suất cao mà chất lượng đậu được trồng trên đảo cũng có nhiều ưu điểm. Hạt đậu Lý Sơn chắc nên lượng dầu ép ra nhiều. Trung bình 2,7 kg đậu thì ép được 1 lít dầu; trong khi đậu cao sản ở đất liền cho trái to nhưng lượng dầu ít. Mặt khác, đậu ở đây còn có vị ngọt hơn so với đậu trong đất liền, nhất là đậu được trồng trên xã đảo An Bình.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 30-1, các hộ nuôi tôm lớn ở 2 huyện: Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) cho biết, trong mấy ngày giáp tết, giá tôm sú thương lái mua tại đầm, hồ là 370-420 ngàn đồng/kg tăng khoảng 70-80 ngàn đồng/kg so với ngày thường.

Tuy nhiên, theo các chủ tàu cá khai thác cá ngừ đại dương những ngày giữa tháng 1.2014, giá cá ngừ đại dương được thương lái thu mua với giá từ 100 - 120 ngàn đồng/kg nhưng hiện nay do nhiều tàu trúng đậm nên thương lái ép giá, chỉ còn 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg.

Trong tiết trời lạnh giá của những ngày cuối năm, dọc tuyến đường từ trung tâm thị xã dẫn sang các xã đảo khu vực Hà Nam, chúng tôi được chứng kiến bà con tấp nập chở các loại thuỷ sản: Tôm, cá, cua, ruốc... từ các xã ven biển sang trung tâm thị xã tiêu thụ.

Những trà lúa trên nền ao nuôi tôm ở vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho thấy được sự tiến bộ về kỹ thuật chăm sóc của nông dân.

Thiết bị phát hiện sớm vi khuẩn gây ra Hội chứng tôm chết sớm (EMS) sẽ có mặt trên thị trường đầu năm 2014. Giáo sư Don Lightner tại Đại học Arizona sắp đưa ra thị trường thiết bị phát hiện vi khuẩn gây EMS cho tôm nuôi, giúp người nuôi dễ dàng phát hiện tôm bệnh để kịp thời cách ly.