Đậu Phụng Trên Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Những năm gần đây, nhận thấy cây đậu phụng rất phù hợp trên chân đất cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nông dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất.
Trong năm 2014, diện tích đậu phụng ở Lý Sơn đã tăng lên 92ha. So với năm 2013, tăng 22ha. Diện tích trồng đậu phụng vẫn tiếp tục tăng do còn nhiều hộ vẫn chưa xuống giống.
Sau Tết Nguyên đán, nông dân Lý Sơn bắt đầu xuống giống đậu phụng. Cây đậu phụng được trồng xen canh với cây tỏi. Chính vì vậy, khi thu hoạch xong cây tỏi thì cây đậu cũng đã được một tháng tuổi.
Bà Nguyễn Thị Huyền, xã An Hải cho biết: “Đậu phụng bây giờ vừa cho năng suất cao lại vừa có giá. Năm ngoái tôi trồng hơn 1 sào đậu, thu được trên 1,2 tạ, bán gần 5 triệu đồng. So với trồng tỏi, hành thì lợi nhuận của cây đậu không bằng, nhưng chi phí thấp, lại đỡ tốn công. Đặc biệt, thân cây đậu phụng dùng làm phân bón rất tốt nên tính ra vẫn có lãi. Vì vậy năm nay tôi quyết định tăng diện tích trồng đậu lên 4 sào. Hy vọng năng suất sẽ đạt như vụ mùa trước”.
Trước đây nông dân Lý Sơn ít chú trọng đến cây đậu phụng do người dân chưa biết kỹ thuật trồng cũng như còn e dè trong việc sợ năng suất không đạt bằng cây bắp, đậu xanh. Tuy nhiên, từ năm 2012, khi cây đậu phụng bắt đầu có giá và nhu cầu trồng đậu ép dầu ngày càng nhiều thì diện tích trồng đậu đã tăng lên đáng kể. Bà Dương Thị Bình, thôn Đồng Hộ, xã An Hải chia sẻ: "Những năm trước tôi chỉ trồng bắp với đậu xanh, nhưng năm 2013, trồng thử 300m2 đậu thấy hiệu quả nên vụ này tôi trồng thêm 4 sào nữa".
Trước nhu cầu trồng đậu ngày càng nhiều của người dân trên đảo, UBND huyện Lý Sơn đã tiến hành hỗ trợ giống cho nông dân. Theo đó, trước Tết, mỗi hộ dân trên đảo được huyện hỗ trợ 3,7kg đậu phụng giống. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân có đủ đậu giống để trồng, huyện cũng đã yêu cầu các xã lập danh sách những hộ có nhu cầu và số lượng đậu giống cần đáp ứng. Trên cơ sở đó, huyện liên hệ giúp người dân có được giống đậu tốt để trồng.
Ông Mai Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, lâu nay người dân chỉ trồng đậu phụng một cách tự phát, nhưng hiệu quả mang lại cao.
Vì thế thời gian gần đây, người dân bắt đầu chú trọng đến việc mở rộng diện tích, tăng năng suất cây đậu. Bên cạnh đó, chất đất ở Lý Sơn cũng rất thích hợp để đậu phụng phát triển. Bản thân đất ở đây đã có chứa chất vôi. Vì vậy trong quá trình làm đất, người nông dân không cần phải bón vôi, đỡ tốn một phần chi phí.
Đặc biệt từ ngày có hồ chứa nước Thới Lới thì diện tích trồng đậu phụng trên địa bàn xã đã tăng lên đáng kể. Hồ chứa nước Thới Lới cung cấp nước tưới cho 60ha đất nông nghiệp của xã An Hải. Cũng nhờ có nguồn nước này mà cây đậu mới có đủ nước tưới, các giếng nước nằm ở phía dưới cũng đã có mạch nước ngầm, đỡ khô trong mùa nắng và bị nhiễm mặn.
So với trồng bắp, đậu xanh, thì cây đậu phụng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn. Bởi theo người dân, Lý Sơn thường có nhiều gió, làm cây bắp dễ bị ngã đổ, gây thiệt hại, giảm năng suất.
Cây đậu phụng không chỉ mang lại năng suất cao mà chất lượng đậu được trồng trên đảo cũng có nhiều ưu điểm. Hạt đậu Lý Sơn chắc nên lượng dầu ép ra nhiều. Trung bình 2,7 kg đậu thì ép được 1 lít dầu; trong khi đậu cao sản ở đất liền cho trái to nhưng lượng dầu ít. Mặt khác, đậu ở đây còn có vị ngọt hơn so với đậu trong đất liền, nhất là đậu được trồng trên xã đảo An Bình.
Có thể bạn quan tâm

Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.

Vừa qua, tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) có khoảng 3 sào mít, trong đó có 15% cây mít đang mùa thu hoạch bị sâu đục trái gây hư hại.

Trong sản xuất vụ hè-thu năm nay, với tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh trên 23.000 ha, nhờ thời tiết diễn biến có chiều hướng tương đối thuận lợi, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện các mô hình, dự án sản xuất mới và chuyển tiếp từ năm trước.

Theo phòng NN và PTNT huyện Sơn Dương, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, năm 2011, huyện triển khai thực hiện Dự án phát triển cây rau vụ đông tại 7 xã với tổng diện tích trên 76,5 ha, gồm: Xã Trung Yên, Minh Thanh, Tân Trào, Vĩnh Lợi, Sơn Nam, Chi Thiết và thị trấn Sơn Dương.

Ngày 30/5 sắp sạ lúa trong đất 3 vụ, khi được tôi hỏi có thích làm 3 vụ hay không thì anh Ba Lố một nông dân làm ruộng cạnh tôi trả lời rằng: "Ở không chẳng biết làm gì, người ta làm mình phải làm theo, chẳng lẽ bỏ ruộng không làm, chứ giá lúa thấp như vầy, giá vật tư lại cao như vậy, thì hổng có ham làm 3 vụ một chút nào cả, giá lúa vầy hoài chắc gia đình tôi phải lên Bình Dương kiếm sống, chớ làm ruộng sống không nổi".