Đậu phụng được mùa, được giá niềm vui nhân đôi

Thời điểm này, tại các vùng quê được xem là “thủ phủ” của đậu phụng, nông dân đang khẩn trương thu hoạch đậu phụng. Niềm vui được mùa, được giá như xua tan đi mệt nhọc đối với họ.
Cầm bụi đậu phụng lúc lỉu trái, bà Đặng Thị Hường ở thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cho biết: “Vụ này trúng đậu phụng lắm! Có bụi đến 30-40 trái. Đặc biệt, bụi nhiều nhất tôi đếm tới 50 trái. Ai cũng phấn khởi!”.
Hiện tại, giá đậu phụng khô dao động từ 25-28 nghìn đồng/kg, còn dầu phụng có giá 80-85 nghìn đồng/lít. Với giá này, nhiều người trồng đậu phụng đã có lãi. Còn với một số hộ, dù thu hoạch xong không bán, nhưng họ ép dầu phụng để dành ăn, còn bánh dầu làm thức ăn cho bò vẫn “lợi cả đôi đường”
Anh Mười, người chuyên trồng đậu phụng ở xóm Xuân Đồng, thôn Xuân Hòa, Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) cho hay: “Năm trước gia đình tôi bán đậu phụng khô có giá 22 nghìn đồng/kg thì năm nay bán với giá 26.000 đồng/kg”. Nhờ thế mà với hơn 3 sào đậu phụng đã mang về cho gia đình anh Mười hơn chục triệu đồng khi vừa bán đậu phụng khô vừa bán dầu phụng.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp thì đậu phụng là cây trồng truyền thống ở địa phương. Hầu như gia đình nào cũng trồng đậu phụng. Năm nay, toàn xã có 50ha đậu phụng. Đợt thời tiết bất lợi cuối tháng 3 làm hư hỏng nhiều diện tích hoa màu trong đó có đậu phụng. Bù lại trên phần diện tích còn lại, đậu phụng được mùa và còn được giá nên người dân rất phấn khởi.
Chuyển đổi cây trồng ở các vùng chân cao, thiếu nước vụ hè thu. Ông Lê Văn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho hay, vừa qua, Trung tâm đã triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng ở các vùng đất khô cằn, thiếu nước từ trồng lúa chuyển sang trồng đậu phụng vụ hè thu với diện tích 15ha tại các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn. Đậu phụng là loại cây ngắn ngày, có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất cao. Ngoài ra, Trung tâm thực hiện mô hình trồng 5ha đậu phụng sau vụ tỏi đông xuân tại Lý Sơn. |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện có 849ha trồng đậu phụng, năng suất gần 30 tạ/ha, sản lượng 1.944 tấn. Năm nay, đậu phụng mang đến “niềm vui kép” cho người dân vì vừa được mùa, được giá đậu phụng khô và dầu phụng.
Nhiều hộ dân tại huyện Sơn Tịnh trồng đậu phụng theo hình thức xen canh với mì. Sau khi thu hoạch đậu phụng xong, nông dân tiếp tục chăm sóc mì vào để 4, 5 tháng sau thu hoạch.
Vụ đông xuân vừa qua gia đình bà Đặng Thị Hường trồng gần 2 sào đậu phụng xen canh với mì. “Mì trồng trên giồng còn đậu phụng trồng dưới rãnh. Đậu phụng là giống cây ngắn ngày dễ trồng, lại ít vốn, không tốn nhiều công chăm sóc, trung bình chỉ 110 ngày là thu hoạch. Sau đó vài tháng thì thu hoạch mì”, bà Hường cho biết thêm.
Sau khi thu hoạch đậu phụng, phần thân và lá đậu phụng rụng che phủ gốc mì tăng độ ẩm và chất hữu cơ cho đất. Trồng xen canh giữa đậu phụng mang đến hiệu quả “kép” vừa giúp người dân tận dụng diện tích đất nông nghiệp, vừa phát huy tối đa hiệu quả cây trồng.
Có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi những diện tích điều già cỗi, sâu bệnh sang trồng những loại cây khác phù hợp là một chủ trương đúng đắn của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, công tác này ở huyện Đắk R’lấp đang đặt người nông dân và ngành chức năng, chính quyền cơ sở trước những khó khăn lớn.

Gia đình anh Ninh Hồng Hà ở thôn Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) hiện có 3 ha cà phê và 1,5 ha hồ tiêu đều đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, gia đình anh đang vô cùng hứng khởi bởi tiếp tục sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có trên 70ha nuôi trồng các loại thủy sản. Biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.

Người dân ở khu vực cầu La Ngà (huyện Định Quán) quen gọi anh Lê Hoàng Tuấn là Tuấn “cá bống” vì anh có hơn 20 năm chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cá bống giống và thu mua cá thương phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết: “Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích lúa liên kết với doanh nghiệp trên 17.000ha, sản lượng tiêu thụ trên 71.000 tấn.