Đậu Phộng Dại Phủ Vườn Thanh Long

Nông dân Bình Thuận đang phát triển mô hình trồng đậu phộng dại thay thế rơm rạ phủ vườn thanh long. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1 - 5 năm và có khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển cỏ dại để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng.
Lâu nay người trồng thường lấy rơm phủ vào gốc thanh long để giúp cho đất không bị rửa trôi, tăng độ ẩm, giảm cỏ dại. Thông thường 1 gốc thanh long phải dùng từ 20 - 30 kg rơm khô để phủ trên bờ mặt, 1 năm phủ 2 lần, chưa kể chi phí công lao động.
Nếu tính toàn tỉnh có khoảng 18.000 ha thanh long, mỗi ha 1.000 gốc sẽ tiêu tốn khoảng gần 320.000 - 360.000 tấn rơm khô. Chi phí cho việc mua rơm bình quân mỗi héc ta tốn từ 18 - 20 triệu đồng. Trong khi đó lượng rơm không còn nhiều và phải dự trữ cho gia súc vào mùa khô. Vì thế, rơm không thể đáp ứng nhu cầu phủ thanh long.
Tháng 3/2011, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận (ACP) đã phối hợp với Cty TNHH Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (ATDC) thực hiện dự án “Ứng dụng trồng đậu phộng dại phủ vườn thanh long thay rơm rạ” ở 2 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc.
Mục tiêu xây dựng 5 mô hình trên diện tích 10 ha nhằm ổn định năng suất trong năm đầu và tăng 5% cho những năm tiếp theo; giảm chi phí rơm rạ. Đến nay, ngoài những hộ dân tham gia thấy được hiệu quả nên vẫn duy trì, còn có sự tham gia của nhiều hộ muốn được nhân rộng.
Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, cây lạc dại (đậu phụng dại) - LD99 (Arachis pintoi) là loài cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp với nhiều vùng sinh thái. Có khả năng giữ ẩm, bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây trồng, giảm thoái hoá đất, khống chế sự phát triển cỏ dại...
Đậu phụng dại dễ trồng, 1 trụ thanh long chỉ cần trồng 4 - 5 khóm xung quanh. Sau thời gian trồng 1 - 2 tháng có thể cắt ra để nhân giống tiếp cho những trụ khác giống như việc nhân giống khoai lang và rau muống.
Khi cây phát triển được 4 - 5 tháng, sẽ tạo thành một thảm thực vật che phủ toàn bộ vườn thanh long. Đặc biệt trong mùa khô, chủ vườn có thể cắt thân để ủ vào gốc thanh long, vừa chống bốc thoát hơi nước, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, đậu phụng dại có khả năng cố định nitơ trong đất cao nên hàm lượng đạm ở trong đất cung ứng cho cây trồng sẽ tăng lên đáng kể.
“Trước khi trồng đậu phụng dại nông dân phải tốn một khoản chi phí khá lớn, trên 20 triệu đồng/ha/năm để mua rơm rạ. Thế nhưng khi áp dụng mô hình, bà con giảm được 60 - 70 % chi phí, tương đương tiết kiệm được từ 15 - 17 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến từ 8 - 12 tháng sẽ không phải tốn chi phí cho việc phủ rơm rạ nữa”, ông Thủ nói.
Tại hội thảo tổng kết mới đây, nhiều nông dân đánh giá hiệu quả cao từ mô hình này mang lại. Một số người còn đóng góp thêm ý kiến trao đổi về thời vụ trồng đậu phụng lạc phù hợp từ tháng 5 - 6 để tránh nắng rất hữu ích.
Theo đánh giá của nông dân, khả năng chống xói mòn của thảm phủ đậu phụng dại lên đến 90 - 100% ở khu vực thường xuyên bị ngập úng như các xã Hàm Minh, Hàm Kiệm, Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Nam).
Ông Phạm Ngọc Nam, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam là một trong những hộ áp dụng mô hình cho biết, trồng lạc dại đã tiết kiệm chi phí hàng chục triệu đồng/năm vì không phải dùng rơm rạ; không phải làm cỏ cho thanh long...
Ông Phạm Hữu Thủ cho biết thêm, trồng đậu phụng dại cũng góp phần giảm sâu bệnh trên cây thanh long. Bởi khi đậu phụng dại ra hoa sẽ thu hút côn trùng đến hút mật và thụ phấn cho hoa, trong đó đa số là côn trùng có ích…
Có thể bạn quan tâm

Tin vui đối với người dân 2 xã Thủy Bằng và Dương Hòa - 2 vùng trồng thanh trà trọng điểm của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), khi nay loại trái cây đặc sản này không chỉ được mùa mà còn được cả giá.

Sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Giá mặt hàng nông sản này được các thương lái đặt cọc thu mua tại vườn khá cao. Thế nhưng, người dân vẫn không vui, bởi năm nay, sản lượng sầu riêng giảm nghiêm trọng do bị rụng trái non khi mưa chuyển mùa.

Hiện nay, Tiền Giang xây dựng được vùng trồng chuyên canh dừa gần 15.000 ha, vượt gần 3% so kế hoạch cả năm và tăng 2% so cùng kỳ năm trước. Diện tích dừa tập trung tại các huyện ven biển nhiều khó khăn phía Đông: Tân Phú Đông, Chợ Gạo, Gò Công Tây… Tỉnh tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhằm tạo thêm nguồn hàng hóa cung ứng thị trường, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Từ hiệu quả kinh tế cây chuối mô mang lại, năm 2015 nông dân thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai (Mường Khương - Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư trồng mới thêm 25 ha cây chuối mô, nâng tổng diện tích cây chuối mô tại huyện Mường Khương lên hơn 304 ha.

Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.