Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đâu Là Lối Ra Cho Cá Rô Hậu Giang?

Đâu Là Lối Ra Cho Cá Rô Hậu Giang?
Ngày đăng: 20/06/2014

Chi phí đắt đỏ, thiếu thị trường tiêu thụ là những áp lực đang đè nặng trên vai người nuôi cá rô Hậu Giang (cá rô đầu vuông), khiến người dân thiếu mặn mà với loại đặc sản này.

Thị trường tiêu thụ hẹp, trong khi chi phí đầu vào cao là những áp lực mà người nuôi cá rô Hậu Giang đang gặp phải.

Không thể phủ nhận, vài năm trước, cá rô Hậu Giang là loại thủy sản làm giàu cho nhiều hộ dân. Nhưng giờ đây, người nuôi cá có ý định “treo” ao vì áp lực nhiều.

Thương lái cho biết, hiện nay, thị trường tiêu thụ cá rô hẹp, chủ yếu bỏ mối cho các chợ trong nước, xa hơn là các tỉnh lân cận ở Campuchia. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng thịt cá nên hạn chế sử dụng. Đây là nguyên nhân khiến giá cá giảm mạnh. Giá cá rô thu mua tại ao nuôi chỉ ở mức 22.000-24.000 đồng/kg, giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2013.

Một số hộ nuôi cá rô cho rằng ngoài giá bán thấp thì nguyên nhân khiến họ thua lỗ nặng là do áp lực giá thức ăn tăng mạnh. Ông Phạm Ái Việt, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Khoảng hai năm trước, giá một bao thức ăn chỉ ở mức 235.000-278.000 đồng/bao nhưng hiện nay đã vượt mức 370.000-380.000 đồng/bao. Đó là chưa kể đến tiền thuốc, chi phí chăm sóc khi cá bệnh. Tính trung bình, mỗi 1.000m2 diện tích ao nuôi cá phải tốn gần 38 triệu đồng tiền thức ăn. Như vậy, với 0,7ha hiện tại của gia đình thì tính riêng tiền thức ăn đã lên đến 266 triệu đồng (chưa kể chi phí khác)”.

Mặt khác, người dân phản ánh, thời gian gần đây chất lượng thức ăn cũng giảm sút. Cùng mật độ thả nuôi, mức tiêu tốn thức ăn tăng từ 1,5kg cho 1kg cá vọt lên 2kg, thậm chí 3-4kg. Như vậy, nếu không kể về kỹ thuật nuôi thì chứng tỏ thức ăn thừa tạp chất nhưng thiếu đạm. Do đó, dù giá cá có tăng lên mức 26.000-27.000 đồng/kg thì thời gian nuôi kéo dài cũng đủ khiến người nuôi bị lỗ nặng.

Bên cạnh đó, người nuôi gặp khó một phần cũng do thiếu vốn. Từ đó, muốn làm ăn lớn buộc phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất quá cao nên khi thu hoạch xong thì người nuôi vẫn hoàn tay trắng. Ông Huỳnh Văn Chiếu, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chia sẻ khó khăn: “Khi đầu tư nuôi cá trên 0,4ha thì gia đình tôi phải vay gần 300 triệu đồng mới đủ vốn, mức lãi suất là 11%/năm. Vậy nên, kể cả tiền thức ăn, tiền con giống và tiền lãi thì sau khi thu hoạch, bán cá thì chỉ hoàn vốn”.

Thông tin từ Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy, cá rô đã dần bị thu hẹp về diện tích cũng như số lượng. Hiện, các cơ sở thức ăn không còn bao tiêu thức ăn như trước. Các hộ nuôi thường xuyên bị thua lỗ nên nguồn vốn nội lực đã cạn dần, khả năng tái đầu tư là rất thấp.

Một số hộ đã treo ao trong thời gian dài, thậm chí còn lấp ao hoặc chuyển đổi sang nuôi ba ba, lươn, rắn ri voi,… Nhiều hộ lỗ lã đã bỏ đi nơi khác, chỉ còn số ít hộ cố cựu vẫn giữ vững diện tích.

Chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác dù chỉ mang tính tình thế nhưng nhiều hộ nuôi cá rô vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, cá rô Hậu Giang đã trở thành một thương hiệu, do đó địa phương cần có chiến lược phát triển để khẳng định giá trị vật nuôi này.

Việc cân nhắc tìm hướng đi mới cho vật nuôi đầy tiềm năng là việc làm cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, muốn vực dậy nghề cần có sự trợ giúp từ nhiều phía. Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: “Vị Thủy đang tập trung mọi nguồn lực cho các mô hình thế mạnh của địa phương. Bắt đầu từ việc đầu tư từng phần và có trọng điểm”.

Theo ông Phạm Ái Việt, người nuôi cá rô vẫn có khả năng tồn tại nếu có nguồn vốn mạnh và nuôi theo quy trình khép kín. Do đó, nếu có chính sách hỗ trợ, khả năng phát triển nghề một cách bền vững là điều có thể thực hiện được. Vấn đề đặt ra là bao giờ các ngành chức năng có cơ chế tác động đồng bộ từ nhiều mặt để người nuôi không quay lưng với loại đặc sản này ?

Tính đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện Vị Thủy là 1.488ha, trong đó cá rô đầu vuông chỉ có 15,38ha với khoảng 66 hộ nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa hè thu Mỹ Chánh xây dựng 100ha lúa theo hướng VietGAP Vụ lúa hè thu Mỹ Chánh xây dựng 100ha lúa theo hướng VietGAP

Ông Dương Huy Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết: Vụ lúa hè - thu, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện; Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn phân bón Lio Thái xây dựng cánh đồng lúa theo hướng VietGAP tại ấp Thanh Nguyên B với diện tích 100ha, có 46 hộ nông dân tham gia.

23/05/2015
Nước mặn xâm nhập sông Ba Lai làm gần 700 ha lúa mất trắng Nước mặn xâm nhập sông Ba Lai làm gần 700 ha lúa mất trắng

Tình trạng sông Ba Lai chưa được khép kín là nguyên nhân làm sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre bị thiếu nước.

23/05/2015
Hiệu quả mô hình trồng mè trên đất lúa Hiệu quả mô hình trồng mè trên đất lúa

Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đang áp dụng thành công mô hình trồng mè xen canh với lúa đông xuân và hè thu. Mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/héc-ta, mà còn tăng thêm màu mỡ đất và tạo việc làm cho lao động địa phương...

23/05/2015
Mận Bắc Hà chính thức có nhãn hiệu Mận Bắc Hà chính thức có nhãn hiệu

Năm 2015 là năm đầu tiên mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai) được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chất lượng, khẳng định vị trí của mận tam hoa trên thị trường.

23/05/2015
Mùa xoài Bảy Núi Mùa xoài Bảy Núi

Sau rằm tháng giêng, xoài xung quanh các triền núi Cô Tô, núi Dài lớn, núi Cấm… bắt đầu cho trái liên tục. Khác với lối canh tác truyền thống, nhà vườn Bảy Núi (An Giang) áp dụng phương pháp xử lý ra hoa trái vụ, nhất là đối với các loại giống mới.

23/05/2015