Đâu Là Giống Cây Trồng Chủ Lực?

Sau hàng chục năm tìm kiếm, đến nay, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xác định được một số giống cây trồng chủ lực. Thế nhưng, việc hỗ trợ cho người dân tập trung phát triển những giống cây này còn gặp nhiều khó khăn.
Những cây trồng thích nghi, cho thu nhập khá
Việc tìm giống cây trồng chủ lực là để tập trung sức phát triển loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương. Việc trồng các loại cây lương thực như: lúa, bắp, đậu, mì là chuyện bình thường bởi nơi nào cũng trồng được, nhưng để có loại cây chủ lực lại không dễ dàng.
Trong khi huyện miền núi Khánh Sơn đã tìm ra bộ cây trồng chủ lực từ rất lâu với sầu riêng, mía tím và cà phê, thì ở huyện Khánh Vĩnh, cơ quan chức năng và người dân đã mất rất nhiều năm tìm kiếm.
Do chưa tìm ra giống cây trồng chủ lực nên việc định hướng sản xuất ở huyện Khánh Vĩnh vẫn còn chưa rõ ràng, trồng đến đâu thử nghiệm đến đó. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến thời điểm này, một số cây trồng có xu hướng thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng ở Khánh Vĩnh, có thị trường tiêu thụ và được người dân quan tâm là: sầu riêng, bưởi da xanh và mít nghệ.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây sầu riêng trên toàn huyện gần 50ha, tập trung tại các xã: Sông Cầu, Khánh Nam và Khánh Trung. Đây là những nơi thích hợp cho loại cây trồng này, bởi có nhiều phù sa và nguồn nước tưới. Sầu riêng Khánh Vĩnh ngon không thua kém sầu riêng Khánh Sơn.
Giá bán bình quân tại vườn 25.000 - 30.000 đồng/kg; năng suất 6 - 8 tấn/ha; đầu tư trung bình 35 - 40 triệu đồng/ha... Bưởi da xanh là giống cây trồng có nhiều triển vọng, đã phát triển được hàng chục héc-ta, tập trung tại thị trấn Khánh Vĩnh và các xã: Sông Cầu, Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Hiệp, Khánh Đông...
Năm 2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ lập mô hình khảo sát tại xã Khánh Nam. Kết quả xác định, bưởi da xanh là cây có múi phù hợp với đất Khánh Vĩnh, cho chất lượng ngon, hiệu quả cao. Hiện nay, giá bán bưởi da xanh tại Khánh Vĩnh cao hơn bưởi từ miền Nam đưa ra. Tùy thời điểm, giá bưởi khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, có bao nhiêu tư thương đều mua hết.
Ngoài ra, cây mít nghệ cũng mới được phát triển gần đây, với tổng diện tích khoảng 30ha. Những cây được trồng sớm nhất cũng chỉ mới 3 - 4 năm. Cây mít nghệ rất thích hợp với điều kiện canh tác ở miền núi bởi khả năng chịu hạn cao, có thể phát triển trên vùng gò, đồi, không cần nước tưới. Hiện nay, các xã: Sông Cầu, Khánh Phú, Khánh Nam đang phát triển mạnh cây mít nghệ, đặc biệt là giống mít Thái lá bàng...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo ông Lê Văn Hùng - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Khánh Vĩnh, địa phương đang phối hợp với một số viện, trường trong khu vực để chọn điểm khảo nghiệm mô hình cây ăn quả, từ đó có định hướng phù hợp. Bên cạnh đó, huyện có kế hoạch tập huấn, đào tạo kỹ thuật giúp nông dân sản xuất; tranh thủ nguồn vốn (nông thôn mới, miền núi, phát triển sản xuất...) để phát triển 3 loại cây này...
Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn nhất ở Khánh Vĩnh vẫn là điều kiện thủy lợi. Do địa hình miền núi nên không thể dẫn nước như đồng bằng, cần phải mua sắm phương tiện bơm tưới. Trong khi đó, nguồn vốn của Nhà nước và người dân có hạn. Được biết, đến nay, huyện chỉ mới hỗ trợ được một mô hình tại xã Sông Cầu. Vì vậy, thời gian tới, các ngành chức năng cần hỗ trợ máy bơm, đào thêm hồ chứa để người dân bơm tưới...
Ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu cho biết, đối với xã, cây mía vẫn là cây chủ lực với diện tích 400ha. Ngoài ra, còn có một số cây ăn quả khác như: sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ, xoài... Vài năm gần đây, cây keo có giá nên người dân phát triển mạnh cây này. Ngoài ra, một số cây trồng hiệu quả kinh tế cao như chanh cũng được chú trọng. Nhìn chung, việc định hướng là một lẽ, nhưng người dân vẫn làm theo tín hiệu thị trường…
Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Thời gian qua, đã xuất hiện một số loại cây ăn quả thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện và được người dân chọn lựa như: Sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ... Huyện đã hợp đồng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ khảo nghiệm bước đầu, sẽ có báo cáo trong quý I/2014.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Đắk D’rông đã có thu nhập cao từ việc đưa giống đậu nành DT 26 mà Trạm Khuyến nông huyện giới thiệu.

Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn thì toàn xã hiện có 646 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội. Thời gian qua, để nâng cao kiến thức cho hội viên trong quá trình sản xuất, Hội đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy nghề theo nhu cầu của nông dân.

Gần một năm nay, ông Lê Công Chiến (SN 1951) ngụ ở ấp 1, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông thành công với việc nuôi thỏ. Với 4 dãy chuồng, mỗi dãy dài trên 2,5m, ngang hơn 1,5m và cao 0,5m, vào tháng 10/2013, ông nuôi 20 con thỏ giống (17 con thỏ cái và 3 con thỏ đực). Thỏ nuôi khoảng 3 tháng là đẻ.

Nông dân Nguyễn Văn Đực cho biết: “Nước tràn vào ruộng thu hoạch gặp nhiều khó khăn, lúa chỉ mới trên 70 ngày tuổi, lúa chín được nửa bông, thu hoạch được khoảng 6 bao/công. Thương lái mua giá 3.500 đồng/kg, nếu không thu hoạch thì lỗ nhiều chi phí sản xuất”.

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ. Khác với thời điểm cách nay khoảng một tháng, hiện tình hình tiêu thụ lúa rất thuận lợi khi giá tăng, thương lái đẩy mạnh thu mua.