Đất Ít, Thu Nhập Cao Từ Trồng Lan Mokara

Chỉ có 500m2 đất, nhưng hai nông dân trẻ Dương Văn Long và Lê Ngọc Nghĩa, ở khu phố Phú Hòa, phường Phú Đức (TX. Bình Long) vẫn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm nhờ trồng lan Mokara.
Sinh sống tại vùng đất có thế mạnh trồng cây công nghiệp nhưng với anh Long, điều đó chỉ cho thu nhập ổn định chứ chưa thể làm giàu. Do đó anh không ngừng nghiên cứu, tìm mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện quỹ đất khiêm tốn của gia đình.
Tháng 6-2012, sẵn có vốn kiến thức và yêu thích hoa lan, anh Long đến tỉnh Bình Dương tìm những vựa lan lớn để học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu anh Long chỉ trồng thử nghiệm 260 gốc lan Mokara. Anh nhận thấy chất đất và khí hậu của Bình Long rất hợp để loại lan này phát triển. Anh Long đã chia sẻ ý tưởng phát triển vườn lan thành mô hình kinh tế mới với người bạn thân là anh Lê Ngọc Nghĩa. Sau đó, hai anh mạnh dạn góp 100 triệu đồng để trồng lan Mokara tại vườn nhà với diện tích 500m2.
Do có nhiều sắc màu, cánh hoa to, đẹp, giữ được dài ngày nên loài hoa này nhanh chóng được thị trường Bình Long ưa chuộng. Hoa được các anh phân phối đến chợ, các shop hoa tươi, nhà hàng tổ chức tiệc cưới, liên hoan hoặc trang trí tại gia đình. Thu nhập từ bán hoa trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Anh Long chia sẻ: “Ban đầu trồng và chăm sóc lan gặp khó khăn vì đây là giống mới. Tôi tìm hiểu cách trồng, kỹ thuật chăm sóc lan trên báo, đài, internet... và tìm đến hàng chục mô hình vườn lan tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương để tìm hiểu kinh nghiệm thực tế của các nhà vườn”.
Lan Mokara (còn gọi là hoa lan cắt cành) là loài hoa lai từ 3 loại lan khác nhau có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới. Vòng đời sinh học của lan Mokara sinh trưởng và cho hoa trong 15 năm, mỗi cây cho khoảng 8 cành hoa/năm với sắc màu phong phú. Giống hoa này nhập từ Thái Lan có 13 loài và 9 màu sắc khác nhau. Lan Mokara trồng 10 tháng sẽ cho thu hoạch, hoa tươi giữ được khoảng 10 ngày.
Cái khó khi trồng lan là nghệ thuật bón phân cho lá, vì khâu này đòi hỏi phải có thời gian thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Nếu làm không tốt dễ phát sinh nhiều bệnh, nhất là lá chân, lá trên thân hay bị vàng, thối rễ... Về thị trường tiêu thụ, anh Long không lo lắng vì chỉ ở Bình Long đã “hút” hết hàng. Hai anh dự định sẽ trồng thêm nhiều loại lan mới, có giá trị kinh tế cao để mở rộng mô hình và tăng thu nhập.
Anh Nghĩa cho biết, nếu diện tích đất ít thì mô hình trồng lan Mokara mang lại hiệu quả cao. Hiện gia đình anh đang trồng khoảng 3.000 chậu lan. Cứ 7-10 ngày cắt bông một lần. Một cây lan cho khoảng 8 bông, có cây đến 12 bông/năm.
Ông Đinh Văn Sơn, Chủ tịch Hội nông dân phường Phú Đức cho biết: “Mô hình trồng lan không những tạo thêm việc làm cho hội viên nông dân, mà còn tăng thu nhập cho gia đình và góp phần tạo mỹ quan đô thị, giảm ô nhiễm môi trường. Theo ông Sơn, mô hình trồng lan Mokara trên địa bàn phường còn rất mới, nhưng qua khảo sát bước đầu thấy hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững dựa vào các mô hình này cần phải có những bước đi cụ thể. Lan Mokara là loại cây mới, giá giống khá cao và đòi hỏi nông dân phải áp dụng đúng kỹ thuật mới có thu hoạch. Chính vì vậy để nhân rộng mô hình này rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, hàng nghìn hội viên, nông dân TP.Hải Phòng đang háo hức đón chào ngày hội lớn - Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam và biểu dương gương nông dân điển hình tiên tiến (giai đoạn 2010-2015) sẽ được khai mạc ngày 2.10 tới.

Ngày 18.9, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Chế biến hạt giống số 2, công suất 20.000 tấn/năm.

Trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc thế nào, hạch toán ra sao, đâu là chiến lược phát triển, đầu ra? Đó là những câu hỏi thường trực của các cá nhân, doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào nông nghiệp.

Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Trị đã có những bứt phá về kinh tế đáng tự hào, trong đó đáng chú ý là thu nhập của người dân tăng rõ rệt.

Với gần 70% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo với tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chiếm đến 47%, nên trong giai đoạn 2015-2020.