Dập Tắt Mầm Bệnh Trên Đàn Gia Súc

Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định không bùng phát như một số tỉnh lân cận Kon Tum, Đak Lak. Thế nhưng trong những ngày qua, đàn bò 12 con của gia đình ông Võ Trường-thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku vừa mua từ nơi khác về nuôi thì bất ngờ 7/12 con có triệu chứng lở mồm long móng (LMLM).
Dù gia đình đã cố gắng chữa trị, nhưng để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc của xã và tỉnh không bị mầm bệnh phát tán lây lan trên diện rộng; Ủy ban Nhân dân TP. Pleiku và cơ quan chuyên môn đã quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn bò bị bệnh. Đây là biện pháp quyết liệt nhất trong vài năm trở lại đây trong công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo ông Võ Trường, đàn bò 12 con vừa mua có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Tháp. Số bò mua đều có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y địa phương được vận chuyển lưu hành sang các tỉnh khác, về Gia Lai từ ngày 3-6, chỉ 4 ngày sau 7/12 con có biểu hiện của bệnh LMLM. Trước tình hình này, gia đình cố gắng chữa trị và nhiều con đã có dấu hiệu khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, ông báo cáo với ngành chức năng kiểm tra giám sát một cách chặt chẽ. Trước tính chất nguy hiểm của bệnh và để hạn chế không để lây lan trên diện rộng, Phòng Kinh tế TP. Pleiku phối hợp với Chi cục Thú y tiến hành kiểm tra lâm sàng, đồng thời báo cáo khẩn với UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh để có biện pháp xử lý.
Ngay trong ngày 14-6, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 12/CĐ-UBND về việc tiêu hủy ngay số gia súc mắc bệnh LMLM trên địa bàn thôn 4, xã Trà Đa. Đến ngày 15-6 số gia súc trên đã được tiêu hủy nhằm đảm bảo an toàn trong khu vực, không để mầm bệnh phát tán. Bà Nguyễn Thị Linh Chi-Trưởng trạm Thú y TP. Pleiku cho biết: “Đàn bò đã có mầm bệnh trong cơ thể từ trước, tuy nhiên lại có giấy kiểm dịch vận chuyển sang tỉnh khác là rất nguy hiểm.
Hiện tại đàn bò đã tiêu hủy hết, nhưng để đảm bảo an toàn cho toàn khu vực, Trạm đang tích cực phối hợp với UBND xã Trà Đa tổ chức tiêu độc khử trùng thường xuyên tại khu vực thôn 4. Bên cạnh đó, hàng ngày đều kiểm tra lâm sàng toàn bộ số gia súc tại thôn này để theo dõi có biện pháp xử lý phù hợp.
Điều đáng mừng là khu vực chăn nuôi của gia đình ông Trường được bao bọc bằng tường rất kỹ, bò nhốt riêng biệt một chỗ. Nhờ đó mầm bệnh khó phát tán. Không những vậy, bệnh không xuất phát từ đàn gia súc của địa phương mà từ địa phương khác về. Vì vậy, việc chủ động phòng-chống quyết liệt và tiêu hủy số bò nhiễm bệnh là giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc hiện nay”.
Trong thời điểm hiện nay, các huyện phía Tây tỉnh bước vào giai đoạn mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có điều kiện bùng phát trở lại. Chủ động tiêm phòng-chống dịch bệnh, đặc biệt là việc kiểm dịch việc lưu thông vận chuyển gia súc từ tỉnh này sang tỉnh khác là biện pháp quan trọng để bảo vệ đàn gia súc phát triển ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho nên đời sống của người dân xã Ðông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) ngày càng được cải thiện. Qua nghiên cứu, học hỏi các mô hình nuôi trồng thủy sản từ năm 2010 đến nay, một số hộ dân trong xã đã triển khai nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm.

Dù phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ở Đồng Tháp chưa lâu nhưng theo đánh giá từ các nhà chuyên môn thì nếu theo đuổi nghề, người nông dân sẽ bị “mất” nhiều hơn là “được”. Bởi đằng sau những lợi nhuận trước mắt là nhiều hệ lụy về môi trường cũng như phá vỡ cấu trúc quy hoạch vùng chuyên canh thủy sản của địa phương.

Bên cánh đồng thôn Bản Thẳm, chị Nguyễn Thị Hòa vẫn luôn tay gặt, dù biết có người đang trò chuyện với mình... Sự mải miết ấy được chị giải thích một cách ấn tượng: “Chưa năm nào gia đình tôi lại được gặt lúa chín vào thời điểm này. Lúa chín sớm quá!. Không vui, không nhanh tay gặt làm sao được!”.

Cam sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, cây cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến thời điểm cuối năm 2013 tổng diện tích cam sành cho thu hoạch đạt trên 11.000 ha và sản lượng ước đạt 11.500 tấn, trong đó huyện Bắc Quang có diện tích cam sành lớn nhất tỉnh.

Mạng tin "Chính sách thế giới" ngày 4/6 cho biết tình trạng ô nhiễm khủng khiếp của Trung Quốc đã được thừa nhận trong một báo cáo nghiêm túc, mà trước đây từng được xếp vào hạng "bí mật quốc gia".