Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đào ao… lấy nước trồng cỏ nuôi bò

Đào ao… lấy nước trồng cỏ nuôi bò
Ngày đăng: 15/06/2015

“Cứu” ruộng cỏ

Ông Nguyễn Văn Trọng ở xã An Hòa (huyện Tuy An) cùng hai người con loay hoay lắp máy bơm nước D4 rồi kéo đường ống nối từ ao ra chỗ đám đất trồng cỏ. Ông Trọng cho biết: “Hai ngày qua, ba cha con tôi bỏ công đào ròng rã một ngày trời mới xong cái ao để bơm nước tưới cỏ nuôi bò”. Đám đất của ông Trọng rộng hơn 1 sào trồng cỏ voi. Mấy tháng trước, trời có mưa rải rác nên cỏ phát triển bình thường, hàng ngày cắt gánh về cho 3 con bò đang nhốt trong chuồng đủ ăn, gần đây trời nắng gắt, cỏ héo chết và rơm không đủ cho bò ăn nên ông Trọng quyết định đào ao để có nước tưới cỏ. “Tôi tính kéo điện gắn mô tơ nhưng từ nhà ra đây dây nhợ lòng thòng, nên đặt máy D4 cho tiện”, ông Trọng nói.

Ông Phan Thanh Long ở xã An Hải (huyện Tuy An) đang cắt cỏ voi trước nhà cho hay: Ngày nào tôi cũng ra đây cắt cỏ. Sau khi cắt xong, tôi đóng điện cho béc phun nước tưới ruộng cỏ khoảng 30 phút rồi gánh cỏ về. Nhờ có nước tưới, cỏ lên xanh, đủ cho bò ăn. Thời gian gần đây do trời vẫn không có mưa, dọc theo tuyến đường ven biển từ xã An Hải ra xã An Ninh Đông có rất nhiều người lắp hệ thống nước tự phun tưới cỏ cho bò. Còn ông Bùi Văn Tiến ở xã An Ninh Đông, cho hay, nhiều nông dân đầu tư 5 đến 7 triệu đồng đào ao, khoan giếng mua thiết bị bơm nước tưới ruộng cỏ để có thức ăn cho bò.

Hiệu quả kinh tế

Ông Trần Thi, một người chăn nuôi bò ở xã An Ninh Đông, cho biết: Gia đình tôi nuôi bò sinh sản, trung bình một con nghé nuôi giáp năm cao gần 1m bán với giá 15 triệu đồng/con. Trong chuồng tôi nuôi 3 con bò cái giống đẻ năm một (một năm sinh sản một con), mỗi năm sinh ra 3 con nghé, như vậy, gia đình thu nhập 45 triệu đồng/năm. Hiện nay, nuôi bò mang lại nguồn thu nhập cao, vì vậy nông dân quanh vùng có người đầu tư 7 triệu đồng để đào ao, khoan giếng để có nguồn nước tưới cỏ nuôi bò. Trồng cỏ voi chỉ cần buổi sáng bỏ ra 15 phút cắt cỏ trồng trước nhà là đủ thức ăn cho bò cả ngày. Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Tuyết nuôi bò thịt, cũng mang lại thu nhập cao. Bà Tuyết cho hay, năm qua bà mua một con nghé với giá 16 triệu đồng, sau khi nuôi một năm rưỡi, thương lái đến trả 32 triệu đồng.

Nuôi bò thu lãi cao, tuy nhiên các xã nằm dọc tuyến đường ven biển không có công trình thủy lợi nên gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Tuy nhiên, nhờ khu vực này thấp nên thuận lợi trong việc đào ao, khoan giếng tìm nguồn nước ngầm. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó chủ tịch UBND xã An Hải, thời gian qua nắng hạn, nguồn nước hồ, suối đều cạn kiệt, nông dân ra sức đào ao, khoan giếng để lấy nước tưới hoa màu, ruộng cỏ, để không bị chết khô. Không những thế, nông dân còn lắp đặt hệ thống tưới phun béc để tiết kiệm nguồn nước. Nhờ cách làm sáng tạo nên ruộng cỏ xanh tốt, có thức ăn nuôi đàn bò. Hiện nay, nuôi bò là nghề cho thu nhập cao, nhiều hộ nhờ chăn nuôi mà thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định.

Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đàn bò toàn huyện có hơn 32.624 con, trong đó các xã An Hòa, An Mỹ, An Ninh Đông gần 10.000 con. Người chăn nuôi bò đã mạnh dạn áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Nguyễn Văn Lâm, ngành Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Đối với vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò được UBND tỉnh cấp miễn phí để tiêm phòng cho các xã miền núi, bãi ngang ven biển.


Có thể bạn quan tâm

Để có những vụ tôm nuôi mới thắng lợi Để có những vụ tôm nuôi mới thắng lợi

Do tình hình nắng hạn gay gắt, các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng. Ở góc độ khoa học kỹ thuật, xin nêu mấy yếu tố có thể tạo thành công mà người nuôi tôm nào cũng cần phải xem xét, đối chiếu lại hiện trạng và điều kiện thực tế của mình, xem đã có cái gì, thiếu cái gì.

06/05/2015
Kiên Giang thực hiện nhiều dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Kiên Giang thực hiện nhiều dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Từ nay đến năm 2020, tỉnh triển khai thực hiện 9 dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

06/05/2015
Tăng cường công tác giám sát đảm bảo an toàn tàu cá Tăng cường công tác giám sát đảm bảo an toàn tàu cá

Nghề khai thác thủy sản trên biển thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro rình rập xảy bất cứ lúc nào. Để có được chiếc tàu ra khơi bám biển ngư dân phải bỏ ra hàng tỷ đồng, tuy nhiên mỗi khi tai nạn xảy ra ngư dân thường bị thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong thời gian gần đây, nhiều tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung liên tục gặp tai nạn trên biển.

06/05/2015
Nắng nóng kéo dài làm thiệt hại trên 200 ha nghêu Nắng nóng kéo dài làm thiệt hại trên 200 ha nghêu

Trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại trên 200 ha nghêu thương phẩm của hợp tác xã thuỷ sản Rạng Đông ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

06/05/2015
Chi cục Thủy sản Sơn La thả 1.000kg cá giống xuống hồ sông Đà Chi cục Thủy sản Sơn La thả 1.000kg cá giống xuống hồ sông Đà

Trong tháng 4, Chi cục Thủy sản Sơn La đã phối hợp với UBND các huyện: Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, thả 1.000kg cá giống các loại xuống hồ sông Đà để tạo nguồn lợi thủy sản cho nhân dân đánh bắt.

06/05/2015