Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh

Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh
Ngày đăng: 25/08/2014

Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân  huyện Trà Lĩnh  trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một,  chỉ còn rải rác ở  một số ít địa phương trong huyện.

Trước tình hình đó, từ năm 2003 - 2005, để bảo tồn nguồn quỹ gen giống cây lê, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện Trà Lĩnh thực hiện Dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê”.

Dự án hỗ trợ 5.000 cây lê giống cho các hộ dân ở các xã: Cao Chương, Xuân Nội, Quang Hán, Hùng Quốc trồng thử nghiệm.  Triển khai thực hiện Dự án, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn kỹ thuật chiết, ghép, chăm sóc cây lê cho 50 cán bộ khuyến nông xóm, xã và một số hộ nông dân trong huyện.

Chọn những cá thể lê có nhiều đặc tính tốt để tiến hành ghép mắt cây lê trên gốc ghép là cây mác cọt để tạo giống; xây dựng mô hình trồng lê với diện tích 1 ha tại xã Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Dự án đã bảo tồn được quỹ gen, cây lê trên địa bàn huyện phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến năm 2012, huyện Trà Lĩnh phối hợp với Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chiết ghép, trồng tạo tán, hỗ trợ phân bón để mở rộng phát triển cây lê địa phương và đưa cây lê giống Đài Loan vào trồng thử nghiệm.

Gia đình chị Triệu Thị Liên, xóm Nà Khoang, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh), là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình trồng lê thuộc Dự án "Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê" của huyện Trà Lĩnh.

Vườn lê của gia đình chị phát triển tốt, đang thời kỳ thu hoạch quả. Nhìn những quả lê chín vàng, mọng nước,  mùi vị thơm, ngọt, chị Liên vui vẻ cho biết: Lê là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2003, gia đình chị là một trong 3 hộ được huyện chọn thí điểm làm mô hình trồng cây lê, chủ yếu là giống lê địa phương và một số giống lê Đài Loan.

Tham gia thực hiện mô hình, chị được tập huấn kỹ thuật, trồng, chăm sóc, chiết ghép... Với 60 cây lê giống của Dự án đã được trồng và cho thu hoạch 3 năm nay, mỗi vụ lê, gia đình chị Liên thu khoảng 15 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây lê, với những kiến thức đã được tập huấn, chị Liên tiếp tục nhân giống mở rộng thêm diện tích trồng lê, đồng thời cung cấp giống cho bà con trong vùng.

Trung bình mỗi cây lê từ lúc trồng mất khoảng 7 - 8 năm mới cho thu hoạch, nhưng thời gian cây cho quả trên 50 năm;  mỗi 1 ha lê có thể cho 150 tấn quả/vụ. Với giá bán như hiện nay từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg, có lúc từ 40.000 đồng - trên 50.000 đồng/kg sẽ là nguồn thu nhập không nhỏ đối với nông dân.

Đại hội Đảng bộ huyện Trà Lĩnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2015 trồng được thêm 30 ha. Hiện nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 40 ha cây lê, trong đó, khoảng 10 ha cho thu hoạch. Tuy nhiên, diện tích  này chưa tập trung thành vùng chuyên canh, vẫn còn trồng rải rác tại các địa phương.

Ông Lưu Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Lĩnh cho biết: Huyện đã có định hướng  trong thời gian tới tập trung huy động nguồn lực để phát triển cây lê. Mở rộng diện tích trồng giống lê địa phương, phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh và các công ty giống để nhân tạo giống lê, đưa thêm giống lê Đài Loan vào trồng.

Đồng thời, chuyển đổi những vùng đất thiếu chủ động về nước, vùng đất trống, vùng trồng các loại cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng lê, phát triển cây lê trở thành cây hàng hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thanh long Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thanh long

Măm qua, thanh long là một trong những cây trồng lợi thế, tuy nhiên làm thế nào phát triển ổn định và bền vững trong môi trường cạnh tranh cao như hiện nay là vấn đề cần được quan tâm...

26/11/2015
Giá cam tăng mạnh Giá cam tăng mạnh

Thời điểm này, nhà vườn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang thu hoạch chính vụ cam xoàn và cam mật. Hiện giá 2 loại cam này đang tăng mạnh, nhà vườn rất phấn khởi. Cụ thể, thương lái mua tại vườn cam xoàn loại I giá 31.500 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg;

26/11/2015
Mua thông tin về chất cấm với giá 5 triệu đồng Mua thông tin về chất cấm với giá 5 triệu đồng

Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM thông báo sẽ mua thông tin từ tất cả các cá nhân biết về hành vi sử dụng, mua bán chất cấm. Mỗi thông tin được trả cao nhất 5 triệu đồng.

26/11/2015
Xuất khẩu nông sản số lượng dẫn đầu, giá bán hạng 10 Xuất khẩu nông sản số lượng dẫn đầu, giá bán hạng 10

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Các mặt hàng như tiêu, điều, cà phê Việt Nam đều đứng số 1 hoặc số 2 về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên giá bán chỉ đứng ở hạng 6-10 trên thế giới.

26/11/2015
Thương lái Trung Quốc ép giá, người nuôi tôm hùm cắn răng bán lỗ Thương lái Trung Quốc ép giá, người nuôi tôm hùm cắn răng bán lỗ

Khác với hình thức phân loại để mua như những thời điểm trước đây, gần đây thương lái Trung Quốc đến vựa tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định để thu mua tôm theo kiểu đổ đồng với giá từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg, thấp hơn 200.000 - 500.000 đồng/kg.

26/11/2015