Đánh bắt thủy sản bằng lờ dây trên đầm Thủy Triều chưa xử lý dứt điểm

Đi dọc con đường ven đầm Thủy Triều khu vực xã Cam Hải Đông, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chiếc xuồng máy, ghe nhỏ chất đầy lờ dây đang neo đậu chờ xuất bến. Người dân địa phương cho biết, cứ tầm 4, 5 giờ chiều, các chủ ghe bắt đầu đi thả lờ. Tuy đã bị cấm nhưng lại hoạt động này vẫn diễn ra công khai tại đầm Thủy Triều...
Khoảng hơn 4 giờ chiều, chúng tôi thấy một số người bắt đầu lên ghe nổ máy và chạy ra các khu vực thả lờ định sẵn. Hỏi chuyện anh Tài - người đánh bắt thủy sản bằng lờ dây cho biết: “Lâu nay, vợ chồng tôi vẫn sinh sống bằng nghề này. Biết là lờ dây bị cấm, nhưng nếu không làm thì chúng tôi cũng chẳng biết làm gì khác để kiếm sống”.
Vừa sắp xếp lại những chồng lờ dây để chuẩn bị xuất phát, chị Hoa - vợ anh Tài chia sẻ, vì nhiều hộ khác cũng sử dụng lờ dây đánh bắt như vợ chồng chị nên nguồn thủy hải sản trong đầm Thủy Triều không còn dồi dào như trước kia. “Ngày trước, việc đánh bắt thuận lợi, thu nhập cũng khá; nhưng rồi lượng thủy sản bắt được ngày càng ít dần. Có lẽ, một phần nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt do chúng tôi dùng lờ dây đánh bắt nhiều tôm, cá còn quá nhỏ” - chị Hoa nói.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cam Lâm, hiện nay có hơn 500 tàu thuyền công suất dưới 20CV đang hành nghề đánh bắt trong khu vực đầm Thủy Triều và vùng biển ven bờ. Trong đó, hơn 200 hộ đang sử dụng lờ dây đánh bắt thủy sản tại vùng cấm của đầm Thủy Triều, tập trung đông nhất tại xã Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức. Ông Nguyễn Trọng Khương - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông thừa nhận, địa phương có nhiều hộ sử dụng lờ dây đánh bắt hải sản. Tuy địa phương đã tích cực tuyên truyền, chủ động đến từng gia đình vận động, xử lý nhưng tình trạng này vẫn không giảm...
Được biết, thời gian qua, huyện Cam Lâm đã liên tục tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết dừng việc đánh bắt thủy sản ở đầm Thủy Triều bằng lờ dây. Hàng năm, huyện đều phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tổ chức các đoàn đi kiểm tra, xử lý việc khai thác tại đầm Thủy Triều.
Trong năm 2014, đoàn đã xử lý 14 vụ vi phạm, xử phạt với tổng số tiền 15 triệu đồng. Ông Bùi Quang Nam - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm cho biết, bên cạnh tuyên truyền và xử lý, ngành cũng tích cực triển khai đào tạo chuyển đổi nghề; tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyển giao các mô hình nuôi trồng thủy sản cho người dân nơi đây. Thế nhưng hiện nay, việc sử dụng lờ dây vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...
Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: Thời gian qua, số lượng người dân sử dụng lờ dây đánh bắt tại đầm Thủy Triều giảm chưa đáng kể. UBND huyện sẽ tăng cường tuyên truyền và có biện pháp xử lý cần thiết. Huyện kiến nghị tỉnh nghiên cứu, đưa ra chế tài xử lý có tính răn đe hơn nhằm giải quyết dứt điểm việc sử dụng ngư cụ bị cấm đánh bắt trái phép, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đầm.
Có thể bạn quan tâm

Với việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều người chăn nuôi gà đồi địa phương đang kỳ vọng về một hướng đi mới có sự liên kết bền chặt để vừa giữ vững thương hiệu, vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay ở khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình nuôi dê khác nhau tùy điều kiện địa lý, đất đai, môi trường.
Là một đảng viên, một cán bộ khuyến nông đã nghỉ hưu, ông Trần Danh Trưởng ở thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình luôn ý thức rằng mình phải là người tiên phong để phát triển kinh tế ở địa phương.

Dù không phải là vật nuôi truyền thống, có lợi thế phát triển nhưng vài năm gần đây, con dê mang đến cho những hộ nghèo, hộ khó khăn những cơ hội tăng thu nhập, vươn lên, cải thiện đời sống.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2015 - 2016, toàn tỉnh có gần 1.000ha mía được bà con trồng lưu gốc, tập trung nhiều ở thành phố Vị Thanh, với khoảng 760ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích mía của thành phố (2.500ha). Bởi vì, Vị Thanh là vùng đất cao, ít bị nước lũ đe dọa nên thuận tiện cho bà con áp dụng mô hình canh tác mía lưu gốc.