Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đắng lòng vì ngô ngọt

Đắng lòng vì ngô ngọt
Ngày đăng: 11/05/2015

Nhóm hộ gia đình ông Trần Đình Bình, HTX Thượng Phước, xã Triệu Thượng (Triệu Phong) đã được Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành về tận nơi đặt vấn đề sản xuất giống ngô ngọt, trong đó doanh nghiệp cho nông dân tạm ứng trước 800 ngàn đồng/sào, hướng dẫn kỹ thuật và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm khi đến mùa thu hoạch.

Sau nhiều năm trồng ngô, đây là lần đầu tiên những nông dân như ông Bình được doanh nghiệp trực tiếp đến hợp đồng sản xuất, thu mua sản phẩm vì vậy ông và một số nông hộ chuyên trồng ngô ở vùng đông Giang Quang, HTX Thượng Phước đã ký hợp đồng sản xuất 2,8 ha ngô ngọt cho Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành.

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc và đến nay đã qua thời gian thu hoạch hơn nửa tháng, doanh nghiệp vẫn không về thu mua sản phẩm với lý do sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo ông Bình, khác với những giống ngô mà ông thường trồng trước đây, bắp ngô càng chín thì hạt càng già, càng chắc còn giống ngô ngọt này thành phần hạt ngô chủ yếu là đường và nước, không có tinh bột nên việc không thu hoạch đúng thời điểm khiến lượng nước trong hạt bốc hơi, hạt nhăn nheo. Giống ngô này quá ngọt, thị trường trong tỉnh cũng không quen tiêu thụ bắp tươi nên doanh nghiệp không thu mua thì nông dân cũng không bán ra ngoài được.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài HTX Thượng Phước, Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành còn hợp đồng sản xuất với nhiều nông dân ở HTX Thủy Khê, xã Gio Mỹ (Gio Linh) và HTX An Mỹ, xã Cam Tuyền (Cam Lộ) với tổng diện tích gần 20 ha. Theo hợp đồng kinh tế mà Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành ký kết với nông dân thì chất lượng sản phẩm khi thu hoạch là: bắp tươi, hạt đều, lớp áo dày, không sâu bệnh, còn râu ngô ở đầu quả và trọng lượng trung bình phải đạt từ 4 lạng/ quả bắp trở lên thì công ty thu mua với giá 4.000 đồng/kg.

Qua quá trình sản xuất, nông dân đã chăm sóc kỹ lưỡng nhưng diện tích ngô trên vẫn không thể đạt được kết quả như mong muốn ban đầu, ngô vẫn có những bắp to, bắp nhỏ và không phải quả nào cũng còn râu ngô đầu bắp. Tuy không có được 100% diện tích ngô đạt quy chuẩn nhưng cũng có từ 50 – 80% diện tích đạt yêu cầu nhưng dựa vào những cam kết trong hợp đồng, công ty đã không thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân (kể cả những quả bắp đạt quy chuẩn).

Với giá thị trường hiện nay, trung bình 1 ha ngô cho thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng thì mặc dù được doanh nghiệp cho ứng trước 8 triệu đồng/ha nông dân trồng ngô ngọt vẫn mất trắng từ 17 - 22 triệu đồng/ha.

Ông Bình cho biết: “Nông dân chúng tôi thường lấy vụ trước nuôi vụ sau nhưng với vụ ngô ngọt thất thu như hiện nay chúng tôi không biết lấy đâu chi phí để tái đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp không thu mua ngô cứ giữ lại trên ruộng thế này thì nông dân không có đất sản xuất. Sau 3 tháng bỏ tiền của, công sức đầu tư trên vùng đất bãi bồi màu mỡ giờ phải phá bỏ diện tích ngô không thu hoạch này thì chúng tôi lại tốn thêm chi phí.”

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết: “Việc doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân là vấn đề được khuyến khích trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, về giống ngô Sugar 75 mà Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành hợp đồng sản xuất với nông dân một số vùng trong tỉnh thì đây là giống ngô mới, chưa được trồng thử nghiệm ở Quảng Trị và doanh nghiệp tự ý về hợp đồng trực tiếp với nông dân chứ không qua cơ quan chức năng, vì vậy chúng tôi đã không biết để tư vấn cho nông dân trước khi ký hợp đồng với doanh nghiệp nên xảy ra trường hợp đáng tiếc trên. Qua sự việc này, nông dân cần thận trọng khi lựa chọn giống cây trồng sản xuất, nhất là với những giống lạ, chưa qua thử nghiệm và không rõ nguồn gốc”.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Thắng Lớn Nhưng Vẫn Lo Nuôi Tôm Thắng Lớn Nhưng Vẫn Lo

Dù tỷ lệ thiệt hại đến tuần đầu tháng 9 vẫn còn ở mức 28,8%, nhưng vụ nuôi tôm nước lợ 2013 của tỉnh Sóc Trăng đã và đang diễn biến khá thuận lợi, khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất, mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Dù vụ tôm 2013 chưa kết thúc nhưng nỗi lo cho vụ tôm 2014 đã hiện hữu, với không ít vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền địa phương.

21/09/2013
Nuôi Cá Bớp Lồng Ở Hòn Chuối Nuôi Cá Bớp Lồng Ở Hòn Chuối

Gần 3 năm qua, ngư dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã thử nghiệm và thành công bước đầu với mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Hiệu quả từ mô hình này đã và đang giúp cho cư dân đảo Hòn Chuối có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống…

21/09/2013
Lợi Ích Của Mô Hình Trồng Lúa GroMore Lợi Ích Của Mô Hình Trồng Lúa GroMore

Lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức trồng lúa theo mô hình GroMore (giải pháp tích hợp cây lúa giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho người nông dân). Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

21/09/2013
Ngư Dân Không Mặn Mà Với Thiết Bị Kết Nối Vệ Tinh Cho Tàu Cá Ngư Dân Không Mặn Mà Với Thiết Bị Kết Nối Vệ Tinh Cho Tàu Cá

Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.

23/09/2013
Nuôi Sò Lãi Chắc Nuôi Sò Lãi Chắc

Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.

23/09/2013